Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Ở TA ĐÃ CÓ VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI CHƯA?



Ở TA ĐÃ CÓ VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI CHƯA?

Nhà văn TẠ BẢO
(Nguyên btv NXB)

Khi tác phẩm của tác giả nào đó đã hội tụ đủ những yếu tố: cấu tứ, ngôn từ, nhịp điệu, giọng điệu và đã đủ độ để công chúng khẳng định tác giả đó có một vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà, thì điều cuối cùng trên đỉnh cao của sự nghiệp văn chương. Ta hãy thận trọng và lắng nghe xem tác phẩm của tác giả đó, nếu được tiếp xúc với công chúng nước ngoài thì sẽ ra sao? Chẳng hạn bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xi-mô-nốp nhiều người tôn thờ. Hồi chiến tranh chống phát xít, từ anh lính ngoài mặt trận đến cô gái nơi hậu phương, chỗ nào cũng vang lên “Đợi anh về”. Còn ở Việt Nam bạn đọc cũng như được cởi lòng, cởi dạ. Đứng ở góc độ khoa học, có thể ví như viên thuốc cảm sản xuất tại Nga giải cảm được người Nga và cả người Việt. Nói rộng hơn, từ góc độ nghệ thuật (mà nhu cầu tất yếu của nhân loại kể cả Việt Nam) luôn đòi hỏi văn chương nước mình như thế nào? Đã sánh vai với cường quốc năm châu chưa? Hiện tại ta đã có thơ văn đương đại chưa? Và văn chương đương đại trên thế giới ý tứ ra sao, để ta còn nhăm nhe nhích tới.
Có người còn cho rằng: “Cứ đi đến tận cùng của văn học nước nhà sẽ gặp nhân loại”. Ta thử kiểm nghiệm xem sao?
Truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư ai cũng đánh giá đỉnh cao của văn xuôi hiện đại. Đúng! Rất hay và hấp dẫn, khó có tác phẩm nào viết hay hơn được. Chi tiết đắt giá nhất, gây hấn nhất cho bạn đọc chính là kẻ vũ phu đi săn đuổi H5N1, đã cưỡng hiếp người con gái trước mặt cha cô ngay trên cánh đồng chăn vịt. Nếu không có chi tiết đó “Cánh đồng bất tận” gần như mất hẳn cái ấn tượng trong lòng bạn đọc, cho dù văn trong “Cánh đồng bất tận” đẹp không kém văn trong “Đất rừng Phương Nam”. Đúng là đặc trưng trong vùng, miền, cuốn hút và lạ. Tuy vậy, ta vẫn cứ thắc thỏm về chi tiết nọ, mà nhiều nhà văn đã dùng trước khi có “Cánh đồng bất tận”. Như cậu em quý tử của Đặng Thị Huệ, cậy anh rể là Chúa Trịnh đã hãm hiếp con gái đẹp ở Thành Thăng Long ngay tại nhà bố mẹ họ. Như lính Tây đen, Tây trắng thời chống Pháp đi càn đã hãm hiếp cả bà già lẫn con gái giữa ban ngày ngay tại gốc rơm, xó bếp tại các gia đình người Việt, cũng đã vào trang sách truyện của ta.
Không chỉ “Cánh đồng bất tận”, cả truyện “Thung mơ” của Hà Nguyên Huyến trong chùm tuyển chọn trong truyện ngắn hay của Báo Văn nghệ in bán đúng vào dịp tết nguyên đán, cũng đã dùng chi tiết “Tỷ thí vợ” trong một trận đấu võ. Bạn đọc Việt Nam không lạ gì thể loại “kiếm hiệp (chưởng)”, tàu thượng đẳng cũng đã dùng nó để tôn vinh nhân vật võ lâm Tử Vĩ Nghệ. Phải công nhận, chi tiết kiểu ấy vô cùng đắt giá, nó có sức nặng quyết định sự thành bại của truyện.
Rồi “Bao giờ cho đến tháng 10” phim giải vàng của Điện ảnh Việt Nam có một chi tiết rất văn chương là rường cột của bộ phim: “Ông bố chồng và cô con dâu đều giấu nhau khi biết tin con mình, chồng mình đã hi sinh ngoài mặt trận”. Nếu như không có một truyện dịch của nhà văn Trung Quốc viết từ thời Bát lộ quân in trên Tạp chí Văn nghệ vào quãng thời gian trước khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cũng nói về hai nhân vật mẹ chồng và nàng dâu y như bố chồng và nàng dâu của Việt Nam thì “Bao giờ cho đến tháng 10” sẽ đạt tiêu chí mới lạ và sáng tạo.
Ừ! Cứ cho rằng các nhà văn Việt Nam chưa hề biết trước mình đã có người viết như vậy, giới nghiên cứu rất hiểu. Như trường hợp “Chí Phèo” của cụ Nam Cao và “AQ chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn, không hiểu ai viết trước ai? Nhưng điều này mới quan trọng, tác phẩm nào mang tính triết học, chẳng hạn: Chiến thắng tinh thần của AQ mãi mãi sẽ tồn tại trên văn đàn thế giới, còn Chí Phèo thì dừng lại ở góc độ phản ánh hiện thực xã hội phong kiến trên đồng quê Việt Nam mà thôi. Mặc  dù đọc “Chí Phèo” hay không kém “AQ chính truyện”. Qua đấy để thấy một ý nữa, chi tiết đó đóng vai trò gì trong truyện, có logic biện chứng hay không? Cho dù phim chiếu ra xem cũng rất hay và truyện nào đọc cũng rất hấp dẫn.
Ai cũng biết, sự mâu thuẫn rất khó dung hòa đó là “mẹ chồng – nàng dâu”. Bỗng nhiên một cô gái khác máu tanh lòng về nhà mình ở, rồi chiếm hữu từ đứa con trai đến toàn bộ gia sản, bà mẹ chồng nào chịu nổi (cho dù sau này cô con dâu đó sẽ trở thành mẹ chồng cũng vậy). Nhà văn Trung Quốc chọn đúng thời điểm thích hợp nhất, người con trai hi sinh ngoài mặt trận, thông tin bưng bít. Cô con dâu biết, sợ mẹ chồng đau khổ, cô viết giả thư chồng đọc an ủi mẹ; bà mẹ chồng cũng biết tin con trai hi sinh, sợ con dâu buồn – tiền dành dụm để sửa nhà bà đem mua vải may quần áo cho cô, sau chuyện giấu giếm đó bị lộ, hai mẹ con ngớ ra ôm nhau khóc nức nở. Bức tường mặc cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu người đời dựng lên bấy nay, giờ không còn trụ vững.
Truyện đã hoàn thành sứ mệnh như cụ Lỗ Tấn nói: Nhà văn đi chữa chạy bệnh tật trong tư tưởng con người, còn bố chồng và cô con dâu trong “Bao giờ cho đến tháng 10” lâu nay đâu có mâu thuẫn mà cần đến ngòi bút để mồ xẻ. Vì vậy phim dừng lại ở góc độ nói lên sự vĩ đại của dân tộc trong cuộc chống ngoại xâm - chất anh hùng đâu phải chỉ người ngoài mặt trận mà sự gánh chịu của người hậu phương cũng rất nặng nề. Cái cách biệt giữa văn học trong nước và văn học ngoài nước ta là ở chỗ ấy. Nhà văn Việt Nam phản ánh cuộc sống hiện tại rất sinh động, lấy văn ghi lại lịch sử (văn học sử) đó là thiên hướng, là truyền thống “quan văn”, đồng thời kiêm nhà sử học có từ triều đại xưa ở ta. Còn qua đấy để đẩy lên tầm triết lý nhân sinh như thế giới đã làm, thì nhà văn Việt Nam chưa tìm ra điểm tựa.
Trở lại chi tiết “Tỷ thí vợ” trong trận đấu võ của truyện “Thung mơ”, ta hãy liên tưởng đến một kiểu (cứ cho là “Tỷ thí vợ” một cách lặng lẽ, kín kẽ) theo cách của cụ Nguyễn Công Hoan xem sao! Tối tối anh chồng kéo xe tay đưa vợ đến ngõ Thổ Quan phố Cô Đầu (Khâm Thiên) đứng chờ ở ngoài, đợi khi nào “xong việc” lại kéo xe đưa vợ về nhà. Vậy là mai đã có tiền đong gạo cho con… Thế mới biết các cụ ta xưa uyên thâm lắm đâu có gồng lên như cánh tay của các võ sỹ “Thung mơ”.
Còn chi tiết hãm hiếp cô gái trên “Cánh đồng bất tận” xuất hiện là lúc tác giả đi vào hồi kết của truyện. Nhưng với văn học đương đại thì đấy mới là điểm khởi đầu.
“Ký sự về cái chết được báo trước” của Đại văn hào Mắc-két đã từng đoạt giải Noben với cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Nhân vật của ông bị tên cướp cưỡng hiếp - cô gái quyết đi tìm bằng được kẻ đó để báo thù, trên đường đi cô gái mường tượng lại những chuyện kinh hãi vừa qua. Cảm giác sợ, lạ lẫm, tò mò với muôn vàn tâm trạng uất ức có, thích thú có! Thế rồi qua trăm trang sách mổ xẻ, giải phẫu tâm lý, dưới ngòi bút của nhà văn Mắc-két cuối cùng cô gái tha tội chết cho chính kẻ đã biến đổi cô từ một người con gái trở thành thiếu phụ bất đắc dĩ.
Ông Mắc-két ở nước Colombia lấy chi tiết đắt giá đó là cái cớ để khám phá bản chất, tính cách của nhân vật, cụ thể đây là người con gái trinh trắng với giới tính đặc biệt của họ. Còn ở Việt Nam, các nhà văn tìm chi tiết lạ gây hấn để làm cái nút của truyện, kết cục dẫn đến thắng thua, được mất trong cuộc đời nhân vật, dẫn tới sự hận thù dai dẳng cùng nỗi đau đớn gằn lên trong cuồng vong.

Tác phẩm của các nhà văn thế giới, đọc xong cũng đau lắm chứ, nhưng cái đau trong sự khoan dung, độ lượng, trong thế thái nhân tình. Đó chính là đặc trưng của “văn chương đương đại”. Chúa có 12 tông đồ, trước Khỉ Phong Thánh cũng có người là tướng cướp. Trong kinh phật có người trước khi thành Phật, cũng mắc nhiều tội lỗi, sau tỉnh ngộ tu thành chính quả. Phật tại tâm, chúa trong tim, biểu tượng nhà Phật - bông sen tự nở, trong lòng giác ngộ nên mới có tu tại gia không cần phô danh tính nơi đền, chùa mà thành tâm tại nhà cũng thành Phật. Cụ Nguyễn Du mang trong mình tư tưởng phật giáo nên rất biết những từ “tham - sân - si”, bởi vậy truyện Kiều đâu phải lên án đồng tiền, lên án chủ nghĩa phong kiến. Nếu hết phong kiến thì sẽ hết cô Kiều sao? Nếu có tiền thì đời thoát khỏi nỗi khổ như cô Kiều sao? Hiện tại thế giới còn đầy rẫy những cô Kiều chân dài, được mua đi bán lại trong các khách sạn sang trọng và nhiều người tiền vàng rủng riểng trên mình, đời vẫn đầy bi kịch thảm hại. Qua “Truyện Kiều”, cụ Nguyễn Du lên án chính cô Kiều, lên án loài người chúng ta tham lam và ích kỉ - cái ý tưởng ấy mới đủ sức thuyết phục bởi tính triết lý của nó, cho đến thế kỷ 21 này vẫn còn nguyên vẹn, hiện đại và rất thời sự.
Cô Kiều, khởi đầu rõ ràng là tốt. Khi nhà gặp nạn cô hy sinh mối tình đầu với Kim Trọng bán mình lấy tiền chuộc cha, rất là hiếu nghĩa. Thế nhưng cụ Nguyễn Du vẫn bán tín, bán nghi muốn thử lòng tốt của cô đến cùng. 5 năm, 10 năm rồi 15 năm… lúc này cô Kiều không thể chịu nổi bởi bao sự đầy ải khổ sở chính bàn tay con người gây nên, so với chị em, cô bị thua thiệt quá nhiều. Khi gặp Từ Hải - vị anh hùng ưu thế, cô chạnh nghĩ tới buổi xế chiều cũng muốn có ngày cùng chàng rể: “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương, cũng ngôi mệnh phụ đường đường, nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha”. Và cô đã tính riêng cho mình, liều lĩnh nhận quà của Hồ Tôn Hiến: “Lại riêng một lễ với nàng, hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân”. Vậy là hỏng rồi! Sự nhẹ dạ cả tin và lòng tham trỗi dậy của một cô gái mà lâu nay người ta vẫn cho là tài, là tốt. Tội lỗi từ đấy rồi dẫn đến cái chết của Kiều trên sông Tiền Đường cũng từ đấy và cái nút chuyện cũng chính là điểm đấy. Thế là cụ Nguyễn Du đã có đủ dữ liệu để cảnh báo loài người thông qua nhân vật Thúy Kiều rất là logic và biện chứng.
Không phải chỉ theo Thuyết nhà Phật, cả văn chương cũng vậy các học giả trên thế giới đã nói: “Văn học là nhân học, nhà văn đi tìm cái lắt léo trong ý nghĩa tâm hồn con người,  tìm thấy cái khiếm khuyết trong tư tưởng con người nhằm mục đích để người trở lên hoàn mỹ”. Đó chính là “Giải mã Truyện Kiều” mà nhà văn hóa Nhữ Thành đã có lần nói đến. Và chính trên tinh thần như văn chương như vậy, tư tưởng của cụ Nguyễn Du mới được văn hóa nhân loại tôn vinh và Truyện kiều được xếp vào hàng kiệt tác của thế giới ngay trong thế kỷ 21 này. Còn về nghệ thuật “Truyện Kiều”, cụ Nguyễn Du đúng là bậc thầy trong phương pháp thể hiện, cho đến thời điểm này trên đất nước Việt Nam không thể có một nhà thơ nào sánh nổi. Đó là thời hiện đại, văn học hiện đại.
Ta thử xem cách thể hiện của cụ cách đây 200 năm, so với thời hiện tại khác nhau ở điểm nào, nó có thích ứng với bạn đọc ở năm thứ 12 của thế kỷ 21 này không?
….Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc xảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn…
Để thấy được cái đẹp của Kiều, ta phải qua một bước tìm cái đẹp của Thúy Vân. Để thấy được cái đẹp của Thúy Vân, ta phải qua bước nữa là mường tượng đến trăng, đến mây, đến tuyết, đến hoa, đến ngọc ngà… rồi mới liên tưởng tới cái đẹp của Thúy Vân. Cuối cùng Thúy Vân đẹp quá nhưng Thúy Kiều còn đẹp hơn, tài hơn. Đây là đoạn đặc sắc nhất, cao tay nhất của cụ Nguyễn Du nói về cái đẹp của nhân vật, không trực tiếp mà gián tiếp đến bạn đọc khiến nhân vật đẹp vô cùng và đẹp một cách khác nhau trong trí tưởng tượng mỗi người. Tuyệt vời! Đúng là khuôn vàng, thước ngọc của thế kỷ trước khi tả về cái đẹp. Còn ngày nay, các thi sỹ đều “cảm về cái đẹp”, không vòng vo tam quốc chỉ trong giây lát ta cảm thụ được cái đẹp trực tiếp ở nhân vật qua sự rung động của con tim (tức là chuyển cảm) từ ánh mắt, dáng dấp, giọng nói, bằng linh cảm bạn đọc thấy ngay được cái đẹp vô cùng quyến rũ ấy tựa như tình yêu sét đánh. Hay cái xấu vô cùng xấu xa ấy của nhân vật, ta cũng thấy ngay được. Có nghĩa là từ ngữ sống động, đánh thức sự tiềm ẩn về cảm thụ mỹ học trong mỗi độc giả, có vậy mới đáp ứng được độ cảm quan nhanh nhạy của trí tuệ người đương đại, suy nghĩ làm việc phát triển trong trường vũ trụ rộng lớn mà ở thế kỷ trước, con người chưa từng biết đến.
Trong tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất” tác giả chìm ngợp trong tâm tưởng để cảm lên những con chữ trải dài hàng trăm trang sách, tuyệt nhiên không mô tả bằng thị giác, thính giác, không kể lể những gì mắt thấy tai nghe quanh mình. Còn Mắc-két viết “Tình yêu thời thổ tả” bằng cảm xúc tràn đầy (không hề có dấu châm câu) vì dòng ý nghĩ của nhân vật chảy liên tục sao lại ngắt quãng, nên ta phải đọc liền mạch, có khi tới nửa trang sách mới xuống dòng. Và khi ấy lòng phấn khích cùng sự xúc động của ta trào dâng theo từng câu chữ. Ở Việt Nam ta, vào thế kỷ trước cũng đã xuất hiện giọng văn ấy, chỉ tiếc sau đó  tác giả đã dồn tâm huyết cả đời cho báo chí nên mấy trang văn đó không đủ độ để tạo nên một nốt nhạc cho sự chuyển tiếp thành văn chương đương đại.
“… Giang chẻ lạt buộc mềm thít chặt như những mỗi tình quê cái thuở ban đầu lưu luyến ấy ngàn năm đã dễ mấy ai quên…” - trích Cây tre Việt Nam của Thép Mới.
Nhà thơ Xuân Diệu trước khi ra đi, để lại bản thảo trường ca “Trọng Thủy, Mỵ Châu”, may sao có hai câu kết để đời (có người xếp hai câu đó vào hàng câu thơ hay nhất thế kỷ). Vì đã giải quyết được ba trạng huống tình cảm phức tạp của Mỵ Châu về sự hiếu nghĩa với vua cha, tình yêu với chồng cùng với sự rối bời trong cuộc loạn ly của đất nước. Ở thế kỷ 18, chỉ mỗi vẻ đẹp của nhân vật cụ Nguyễn Du phải mất 8 câu lục bát. Vào thế kỷ 20, để giải tỏa được ba mối giằng xé trong con người Mỵ Châu, bác Xuân Diệu dùng có hai câu song thất lời ít ý nhiều, cô đọng và góc cạnh. Đó là đặc trưng của “Thơ đương đại”.
Sau này cũng có tác giả đã bước chân vào ngưỡng cửa của văn chương đương đại. Nhưng rồi có quá nhiều thời điểm oanh liệt và đáng nhớ của lịch sử nước nhà chấn động cả 5 châu 4 biển, cần rất nhiều tác phẩm “Văn chương hiện thực” ghi lại. Nào là hết 5 cuộc chiến tranh chống xâm lăng bờ cõi lại chạy cơm áo, gạo, tiền cho từng nhà nên giới nghệ sỹ chưa có điều kiện vì chưa kịp bình tâm tiếp cận với dạng văn chương đã từng cập bến bờ nhân văn ấy. Bởi vậy, trên bình diện chung của xã hội đã để lại khoảng cách quá xa với văn học thế giới nhiều chiều, đa dạng và vô cùng sâu sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét