Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

SỰ GHEN HAY NỖI BUỒN NHÂN THẾ



Ghen

(Thơ Quế Hằng)

Tôi ghen với trời!
Sao trời không nắng, không mưa?
Cứ êm dịu, cứ hiền hoà, cứ phơi phới, cứ dây dưa...
Cho vừa chăn ấm
Cho vừa gối êm.

Tôi ghen với em!
Em đã ngủ quên
Trong vòng tay ấm.

Tôi ghen với đường!
Sao đường không vắng?
Những tà áo bay đều mang màu nắng xanh, đỏ, tím, vàng...
Riêng tôi sắc trắng,

Tôi ghen với hoa!
Hoa tươi roi rói trong bình tôi cắm!

Tôi ghen với người!
Có hoa, có rượu
Người đã quên tôi
Để tôi buồn vắng lẻ loi giữa đời.




Sự ghen hay nỗi buồn nhân thế

 DIỆU HUYỀN

Nhà thơ Quế Hằng vừa cho ra mắt tập thơ đầu tay Nỗi lòng, Nhà xuất bản Lao Động 2012. Tập thơ với 70 bài, bao hàm các thể loại thơ Đường luật, thơ lục bát, thơ tự do, phản ánh đa dạng các sắc thái cuộc sống với nhiều góc độ quan sát sắc bén bắt nguồn từ cảm hứng thơ chan chứa tình yêu cuộc đời, tình yêu con người, thể hiện tấm lòng đồng cảm, tri ân và nỗi niềm trăn trở suy tư trước nhân tình thế thái qua giọng điệu thơ giàu nữ tính, sôi nổi, trẻ trung, trữ tình, có điểm xuyết đôi chút phong cách hài hước của tri thức ưu thời mẫn thế.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố tiêu biểu cho tập Nỗi lòng là bài thơ Ghen, đặc tả thành công và chi tiết từng nấc thang xúc cảm của diễn tiến nội tâm nhân vật thơ, ở khía cạnh đời thường và nghệ thuật, hình tượng nhân vật tôi đôi lúc đã hoà nhập (xâm thực) vào thế giới nội cảm của tác giả, ranh giới giữa đời và thơ đôi lúc bị xoá nhoà, làm lên vẻ đẹp thuần cảm riêng có cho bài thơ, gợi sức sống dẻo dai trong lòng người đọc, tứ thơ cũng hoá hư ảo hơn, khó nắm bắt, phiêu bồng hơn, giúp bài thơ chiếm được vị thế nhất định trong thế giới nghệ thuật của thi ngôn, thi ảnh: Tôi ghen với trời!/ Sao trời không nắng, không mưa?/ Cứ êm dịu, cứ hiền hoà, cứ phơi phới, cứ dây dưa.../ Cho vừa chăn ấm/ Cho vừa gối êm.
          Tiêu đề bài thơ là chữ “ghen”, ngay câu thơ mào đầu cũng đi thẳng vào vấn đề như một tuyên ngôn nghệ thuật và cả khổ thơ đầu cũng xoay quanh duy nhất một nhiệm vụ giải thích và khai thác triệt để các cung bậc xúc cảm có từ cái sự “ghen” nhằm gây men xúc cảm kích thích trí tưởng tượng của người đọc ru người đọc vào trạng thái “say” lãng đãng phiêu bồng theo tứ thơ đang dần được định hình từ chốn mông lung. Cái sự ghen với trời quả là khó mà giải thích cho tường tận, thấu đáo, cũng như trong cuộc sống gia đình, cái lượng ghen khi đã được định lượng hoá nó sẽ trở lên trần trụi, với liều lượng vừa phải có thể giúp cho hạnh phúc thăng hoa, nhưng khi vượt ngưỡng sẽ trở thành mối hoạ tiềm ẩn nguy cơ phá huỷ hạnh phúc. Vậy ghen với trời ở đây phải chăng là cái sự ghen chưa chạm ngưỡng của định lượng, cái ghen của tâm trạng thơ phơi phới xuân thì, trước sắc màu thiên nhiên cũng phơi phới gợi xuân tình. Xác định ngưỡng ghen trọn vẹn và cũng là chìa khoá để mở ra tâm trạng thơ được tác giả đặt ngay câu cuối của khổ thơ đầu: Cho vừa chăn ấm/ Cho vừa gối êm.
Hình ảnh chăn ấm, gối êm đưa người đọc đến với cảm giác của hạnh phúc hoặc đánh thức niềm khao khát hạnh phúc đôi lứa, ở khung cảnh khổ thơ này có sức sống lạ lùng, thanh lịch, đam mê, quyến rũ đồng thời cũng là tác nhân quan trọng kết dính với tư duy khổ thơ tiếp theo: Tôi ghen với em!/ Em đã ngủ quên/ Trong vòng tay ấm. Tôi ghen với đường!/ Sao đường không vắng?/ Những tà áo bay đều mang màu nắng xanh, đỏ, tím, vàng.../ Riêng tôi sắc trắng. Giữa muôn vàn sắc màu cuộc sống, sắc thái của mỗi cấp độ ghen cũng thật đáo để, đối tượng của ghen cũng thật phong phú, ghen với trời có nghĩa ghen với cái hư vô, không thật và không xác định, bởi khái niệm trời ở đây chẳng thể đem định hình, định tính, định lượng, có chăng chỉ là cái khéo của người thơ mượn trời lấy cớ mà neo ý đồ nghệ thuật vào cái sự ghen bong gió đó thôi! Khổ thơ thứ hai đã sang tỏ điều đó khi chủ thể đã có cái cớ đáng yêu và đối tượng cũng thật đáng yêu để mà trút sự ghen của mình: Tôi ghen với em!/ Em đã ngủ quên/ Trong vòng tay ấm. Tôi ghen với đường! Ở đây cấp độ và mức độ ghen cũng như đối tượng ghen bắt đầu có sự chuyển hoá, thăng hoa nhờ chất men xúc tác có từ khổ thơ đầu, đối tượng của ghen đã chuyển từ hư không, vô hình (trời) sang hữu hình (người), theo thể thức từ cao xuống, thấp, rồi tiếp tục từ hữu tri (người) sang vô tri (đường), vô sắc (đường) sang hữu sắc (hoa), từ vô thần (hoa) sang hữu thần (người - con người tâm trạng) tạo thành vòng tròn xoắn ốc cho nghệ thuật mô tả, mô phỏng rất điệu nghệ, điêu luyện: Tôi ghen với hoa!/ Hoa tươi roi rói trong bình tôi cắm!/ Tôi ghen với người!/ Có hoa, có rượu. Khi loại bỏ yếu tố trời ra khỏi vòng xoắn ốc nghệ thuật với mặc định ở khổ thơ đầu, cái sự ghen với trời chỉ là cái cớ để tác giả lồng ghép cái sự ghen vào cho phù hợp với tâm trạng và làm chất gây men như một thứ phụ gia cho cảm xúc thơ gia tăng thì cái vòng tròn nghệ thuật khi này sẽ biến đổi trạng thái trở thành hoàn chỉnh, khép kín và tuần tự mô phỏng cho một chu trình ghen có cơ sở, có lý trí, có mục đích và đối tượng, thiên tính nghệ thuật của bài thơ càng được đẩy tới cao trào: Người đã quên tôi/ Để tôi buồn vắng lẻ loi giữa đời.
Con người tâm trạng đã thực sự hoàn thiện theo cái sự ghen trong bài thơ, ở đó là vòng tròn bản chất của cái tôi trữ tình, chủ thể truyền tải cái ghen và cũng là chủ thể đón nhận cái ghen, nhưng đường truyền vô tuyến phát và chuyển tín hiệu thơ nhờ vòng lặp nghệ thuật đó sẽ trở thành hữu tuyến, qua mỗi chu trình lặp lại, cảm thức nghệ thuật thơ sẽ được đẩy cao dần khi chạm ngưỡng cảm xúc sẽ bung oà, khi ấy rất có thể cái tôi đã bị phá vỡ để chan hoà vào cái chung của cuộc sống.  Điều đó cũng không phải xa lạ gì, mà nó đã là nỗi buồn chung mang tên nhân thế.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét