Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Mẹ tôi của Bùi Bá Tuân

Hình ảnh người mẹ

trong bài thơ Mẹ tôi của Bùi Bá Tuân


                                  
Hình tượng người mẹ là đề tài không bao giờ xưa cũ, nhàm chán của nghệ thuật thi ca, điện ảnh, văn học, hội hoạ, âm nhạc. Hình ảnh người mẹ gắn bó thân thuộc với cuộc đời mỗi con người, ngay ngôn ngữ đầu tiên của một đứa trẻ bắt đầu giai đoạn tập nói cũng là tiếng mẹ, bằng ngôn ngữ của chính người mẹ đêm ngày bồng ẵm, chăm chút nó. Trong suốt tiến trình phát triển các hình thái xã hội, lịch sử khoa học đã chứng minh sự tồn tại chế độ thị tộc mẫu hệ, khởi nguyên sự xuất hiện người tinh khôn, là giai đoạn phát triển lịch sử mà nhiều dân tộc trên thế giới đều đã kinh qua. Và tồn tại trong thời gian rất dài với quyền của người đàn bà được phân công lao động và điều hành những công việc chung trong thị tộc. Hay nói cách khác là người đàn bà có quyền quyết định sự phát triển tồn tại, hay suy tàn, diệt vong của một cộng đồng người trong thị tộc.
Trong văn học, thi ca, hình tượng người mẹ việt nam trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã được các nhà văn, nhà thơ khắc hoạ sinh động qua các tác phẩm (Người mẹ cầm súngNguyễn Đình Thi, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt – Tố Hữu…vv.) rất thành công.
Hình tượng người mẹ trong tác phẩm Mẹ tôi của tác giả Bùi Bá Tuân dụng công khai thác từ khía cạnh cuộc sống đời thường, đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ một đời mẹ phải âm thầm gánh chịu, vì chiến tranh, vì người đàn ông là trụ cột trong gia đình phải lao mình vào vòng xoáy mưa bom, bão đạn của cuộc chiến, vì những tai ách của một thể chế xã hội phong kiến có thể đã cháy rụi, còn rơi rớt lại những tàn dư không dễ gì xoá bỏ trong thói quen mỗi con người. Không một lời ta thán, mẹ lặng lẽ chấp nhận hi sinh về mình cho một ngày mai tươi sáng sẽ đến trong niềm tin tưởng vào cuộc sống, tương lai. (Bởi phong kiến, chiến tranh, mẹ chịu bao cay đắng…/ Vách nát, nhà xiêu không ruộng cấy cầy/ Thắt lưng đói – lấy nghề rừng độ mạng). Chỉ với vài chi tiết, hình ảnh tinh tế, cùng những câu thơ ngắt quãng, không liền mạch khi đọc khổ thơ đầu, đã tạo được âm hưởng trầm lắng, suy tư trong lòng người đọc. Làm tiền đề cảm xúc cho những khổ thơ sau với đậm đặc lượng chi tiết, dữ kiện mang tính thông báo cho một sự kiện sắp xuất hiện, đặc tả hình ảnh tảo tần của người mẹ giữa bước đường mưu sinh (…vào đến rừng, trời thường chưa sáng/ Sắn cõng cơm một nắm tựa quả bòng/ Mưa rét cóng tay, lưng mẹ hơi còng/ dao dựa cùn mẹ xắt cơm như múi bưởi/ Nhường cả con ăn, mẹ chỉ một miếng thôi). Tập hợp những hình ảnh thắt lưng đói, sắn cõng cơm, dao rựa cùn, trời thường chưa sáng trong đoạn thơ trên đã khắc hoạ hình ảnh người mẹ rất sống động, chỉ qua ngần ấy hình ảnh thôi đã đủ ghi vào lòng người đọc những đức tính điển hình của người phụ nữ việt nam cần cù siêng năng, chăm chỉ đảm đang và giàu đức hi sinh.
Trong tâm trí những người con khi khôn lớn, trưởng thành càng ngậm ngùi nhớ về sự hi sinh cao cả của mẹ trong đời, những câu thơ chắt ra từ gan ruột, day dứt, thảng thốt (Lòng thương mẹ, vẫn ăn cả phần của mẹ/ Chợt giật mình con buông lời khe khẽ/ Mẹ ăn thế này, gánh sao được củi mẹ ơi! Đâu biết rằng nhiều ngày như thế/ Mẹ âm thầm uống nước suối cầm hơi). Mẹ là thế, nhường nhịn, tảo tần, trong hoàn cảnh tận cùng của sự nghèo khổ, nhưng vẫn là tấm gương sáng cho các con về nhân cách sống và đạo đức, phẩm hạnh, vẫn một ý chí tự lập, hướng tới mục đích sống đẹp, của lý tưởng sống cao cả, bất khuất vươn lên như truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay, mang đậm cốt cách của người phụ nữ á đông giàu lòng tự trọng. (Riêng mẹ con tôi chỉ có rừng thiêng và bất hạnh/ Nghèo cùng đinh, mẹ không hề mắc nợ.). Phải chăng tác giả đã dày công chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước cho tâm lý người đọc khỏi ngỡ ngàng, xa xót khi sự kiện chính được đề cập (Mẹ hiến dâng cả ba con cho tổ quốc…/Ngày báo tử hai con, mẹ chết đi, sống lại…/ Mẹ hoá vĩnh hằng miền tây trúc thung dung.)  càng làm nổi bật thêm những nét khái quát phác hoạ nên chân dung người mẹ việt nam sau cuộc chiến? Tác giả đã khá thành công với thủ pháp này, với phương pháp tư duy bậc thang, những đoạn thơ gần như được chủ động tách bạch, đứng biệt lập với nhau, như những chỉnh thể thơ hoàn chỉnh, nhưng nội dung tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bài đóng vai trò thống nhất các đoạn thơ thành một chỉnh thể có tư tưởng nghệ thuật.
Đoạn kết bài rất gần với thể loại ca dao truyền thống, dân dã với tiết tấu, nhịp điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ đi vào cõi lòng người đọc. Không dùng những lý lẽ cao siêu, những triết lý dài dòng về lẽ sống mà vẫn truyền tải được một lượng thông tin khá lớn, đã nói lên nhiệt tâm của tác giả, và điều đặc biệt thành công đó là hình ảnh người mẹ, giờ đã đi vào cõi hư vô mà tinh thần, lẽ sống của mẹ vẫn còn lại đó, như giọt nước âm thầm biến tan vào lòng đất, dưỡng mùa cây trái sinh sôi. (…con ơi sống để làm người/ Hiếu trung nhân nghĩa là nơi trường tồn…/ Mỗi lần con thắp nén hương/ Sửa mình tu thiện – lời ru nhiệm màu).
Khép lại bài thơ mẹ tôi với thành công nhất định trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người mẹ việt nam giữa cuộc sống đời thường, tác giả Bùi Bá Tuân đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình trong hành trình tìm đến với nàng thơ trên đường trường sáng tác. Tuy nhiên về phương diện sử dụng ngôn ngữ thơ anh còn tỏ ra dè dặt, thiếu tự tin, sử dụng câu chữ còn dễ dãi là điều khó tránh khỏi của nhiều người trong quá trình sáng tạo.            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét