Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Khúc hát tri ân

Viếng mộ nghĩa trang Trường Sơn

PHAN MẠNH QUÂN

Thắp nén hương trầm giữa nghĩa trang Trường Sơn
Gửi một câu hò vào không gian vô tận
Ở nơi ấy mong các anh về nhận
Tình cảm anh những người chinh chiến năm xưa

Sáu mươi năm đất nước một vần thơ
Đến tạ ơn anh lời gửi vào trong gió
Nhớ bát canh chua lá tàu bay thái nhỏ
Vượt Nam Lào giục chiến thắng XêPôn.

Tuổi xuân của các anh để lại ở trường sơn
Cho đất nước hoà bình tràn đầy sinh lực mới
Thắp nén hương trầm khói hương thay lời nói
cõi vĩnh hằng các anh mãi bình yên.



Khúc hát tri ân


    Đọc bài thơ “Viếng mộ nghĩa trang Trường Sơn” của Phan Mạnh Quân, đăng trong tập thơ Võng Biển - Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2008, giữa không khí toàn dân sôi nổi thi đua, hướng tới chào mừng đại lễ Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, người đọc thấy trong lòng tràn dâng cảm giác ngậm ngùi, xúc động, tri ân.
    Đề tài bài thơ chọn khai thác thuộc phạm trù lịch sử, ôn cố tri tân, với lớp sóng cảm xúc day dứt, trăn trở nghĩ suy, triết luận dóng riết về lẽ sống, về trách nhiệm đạo làm người, xen lẫn niềm tự hào chiến thắng của một dân tộc anh hùng sau hơn sáu mươi năm tái thiết dựng xây đổi mới.
    Mở đầu bài thơ tác giả tập trung khai thác ngay mảng không gian cụ thể, hết sức sống động và giàu tính gợi mở, hướng tâm tư người đọc theo dòng thác xúc cảm tâm linh, như đang quện trong mùi khói hương trầm xao xuyến, da diết đến nao lòng.
        Thắp nén hương trầm giữa nghĩa trang Trường Sơn
             Gửi một câu hò vào không gian vô tận
chi tiết gửi một câu hò vào không gian vô tận... đã đẩy chiều xúc cảm của bài thơ lên đến đỉnh cao của tâm trạng day dứt, hoi niệm, nhờ đó ý, tứ thơ được dồn nén chặt, đạt đến cấp độ cao c ủa nghệ thuật tự sự.
    Gửi câu hò vào không gian vô tận... Nếu như tác giả viết bằng gửi một giọt nước mắt cám thương, hay gửi chút lòng thành kính thì có lẽ câu thơ đã xuôi theo một chiều hướng khác. Nhưng ở đây trước không gian nghĩa trang Trường Sơn với hàng triệu triệu nấm mộ liệt sĩ đã một thời anh dũng xông pha nơi lửa đạn, tạm quên đi tuổi xuân xanh của mình để cầm súng chiến đấu giữ gìn bình yên cho đất mẹ, thì câu thơ đã trở thành tiếng thét bi tráng và đầy trăn trở trước nỗi đau sau hơn sáu mươi năm còn nhoi nhói trong tim người trở lại, đồng đội cũ đã cùng cầm súng chiến đấu với họ những người còn đang nằm lại đây, trên cùng trận tuyến, khiến câu thơ vụt toả sáng:
        Sáu mươi năm đất nước một vần thơ
               Đến tạ ơn anh lời gửi vào trong gió
    Sau những giây phút dòng thác xúc cảm trào dâng vấn vít, mọi chiều kích cảm xúc được căng trải đến tận cùng không gian, mạch thơ bỗng chùng xuống, nghiêng về mạch chảy của thời gian, đó là sự lắng đọng, trải nghiệm, triết luận của cả một quãng thời gian liên tục, tuyến tính, thời gian của dòng cảm thức tuôn chảy trong chiều sâu tác phẩm và trong tâm khảm tác giả.
        Nhớ bát canh chua lá tàu bay thái nhỏ
        Vượt Nam Lào giục chiến thắng Sê pôn
    Mảng kí ức theo mạch chảy từ từ trỗi dậy làm tiền đề, chốt khoá cho trạng thái thăng hoa trọn vẹn khổ thơ cuối, đó là sự hoà trộn, chuyển hoá, tái tạo lại của không gian và thời gian nghệ thuật cùng dòng cảm thức đưa tư tưởng nghệ thuật toàn bài thơ lên tầm cao.
             Tuổi xuân các anh để lại ở Trường Sơn
             Cho đất nước hoà bình tràn đầy sinh lực mới
         Bài thơ khép lại bằng mảng không gian đẫm tính hư ảo, nhưng được chuyển hoá một cách tinh tế, nhuần nhuỵ “khói hương thay lời nói”, tuổi xuân của các anh đã hoà thành nguồn sinh lực mới, tiếp vào hơi thở của đất nước, của dân tộc, của thời đại. Sự ảo hoá này là “niêm” giúp bố cục tác phẩm được bảo đảm bền chặt, Tác phẩm thơ thành một cấu trúc nghệ thuật thi ca hoàn chỉnh. Qua đó cũng chứng tỏ được một điều rằng cây viết rất có “nghề”, đã tạo ra được phong cách riêng cho mình trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ và cá tính sáng tạo tác phẩm.
TRÂN TRÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét