Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

“Thêm một lần tiễn đưa” Khúc tráng ca của một thời ra trận




THÊM MỘT LẦN TIỄN ĐƯA thơ Kim Thanh
(Thương tặng những người Mẹ, người vợ thêm một lần tiễn chồng, tiễn con
tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam năm 1978)



          Thêm một lần
          Em tiễn anh
Lên đường ra mặt trận
            Thêm một lần đôi mắt mẹ nhòa lệ tiễn đưa.
              Thêm một lần lòng người dân rực lửa.

     Thiêu cháy quân thù  lấn chiếm biên cương.

             Lần đầu tiên tiễn anh
     Áo em chưa nhàu sau ngày hôn lễ,
     Mắt mẹ buồn thương xen lửa căm hờn
     Quê mình đầy bóng giặc.

             Anh thương yêu
     Làm sao nói được
     Nỗi buồn thương,
     Niềm tự hào
     Từ tâm hồn em - người vợ trẻ
     Từ cõi lòng mẹ già,
                                đã bao lần dấu giọt lệ xót xa...
     Trong những ngày anh xa
     Mẹ già luôn dõi bóng
     Trong những buổi chiều tà khói lam tỏa mỏng
     Thủ thỉ về anh, giọng mẹ đượm buồn

Vất vả vì anh, bao đêm nước mắt tuôn
Những ngày ấy khi anh chưa tròn tháng
Cha thân yêu ra đi làm cách mạng
Anh đâu biết mỉm cười trong âu yếm vòng tay cha
Chưa biết buồn, chỉ biết khóc oa oa
Khi khát sữa mẹ chưa cho kịp bú
Nỗi lo âu mẹ bao đêm không ngủ
Nén buồn thương, rũ xuống mái tranh nghèo
Nén sầu đau lo cảnh sống gieo neo
Thương con nhỏ mồ côi, sợ bao điều bất hạnh...
     Và hôm qua
     Mắt nhòa lệ mỉm cười mẹ nhìn chiếc áo xanh
     Gạt nước mắt em ngả đầu vào lòng anh sung sướng
     Năm năm rồi anh ơi, em chưa một lần được hưởng
     Trọn niềm vui trong nghĩa vợ tình chồng
     Anh có biết không, những năm tháng chờ trông
     Nghe tiếng súng xa mong quê mình giải phóng
Rồi hôm nay
     Con chúng mình bước đi còn chập chững
     Anh lại lên đường
     Theo tiếng gọi của non sông
     Thêm một lần tiễn đưa
     Em thầm nhủ trong lòng
     Hãy xứng với anh
                        Những tháng năm xa ...




“Thêm một lần tiễn đưa”
Khúc tráng ca của một thời ra trận

            Đất Mẹ Việt Nam từ thủa hình thành niên sử, đã ghi tạc lại biết bao dấu ấn khó phai mờ. Cố nhạc sĩ họ Trịnh trong cuộc đời rong chơi lẫm liệt của mình đã từng khái quát, phác hoạ rất thành công biểu tượng Mẹ Việt Nam, tượng đài vĩ đại và chân thực nhất bằng chất liệu nghệ thuật âm nhạc “Một nghìn năm đô hộ giặc tàu/ Một trăm năm nô lệ giặc tây/ ba mươi năm nội chiến từng ngày/ Gia tài của mẹ/ một đồng xương khô/ gia tài của mẹ nhà cháy từng làng”. Sự ác nghiệt của chiến tranh là vậy, và sự nhọc nhằn hi sinh của Đất Mẹ lớn lao là vậy. Dòng thác cách mạng đã làm nên cuộc đổi mới kì diệu cho những vùng đất chết trên cơ thể Đất Mẹ hồi sinh. Sự kiện thống nhất đất nước 30/4/1975 đánh dấu mốc son chói lọi, Đất Mẹ tưởng như đã được thảnh thơi an hưởng thái bình thì cuộc chiến tranh biên giới năm 1978 lại nổ ra, hoạ diệt chủng của chế độ PônPốt – Yiêngsari lơ lửng đe doạ sự bình an của những đứa con sống trên Đất Mẹ Việt Nam. Tiếp tục cầm súng chiến đấu là mệnh lệnh, là nghĩa vụ của những người con kiên trung vừa đi ra từ cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, áo còn vương mùi khói súng. Bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ là tiếng gọi thiêng liêng cất lên từ Đất Mẹ thôi thúc bao lớp người vững bước ra đi...
            Bài thơ “Thêm một lần nữa tiễn đưa” của Kim Thanh, người nữ chiến sĩ giải phóng miền Nam ra đời trong hoàn cảnh đó, như thước phim quay chậm, đặc tả cuộc tiễn đưa giữa những thế hệ, người ra trận và người ở lại theo từng khuôn hình cảm xúc, bám sát tới từng chi tiết của một giai đoạn lịch sử với tính ước lệ cao, thấm đẫm nội cảm nhân vật.
      Mang tiết tấu của một câu chuyện kể, với cấu trúc phân mảng, phân đoạn, mỗi nhịp thơ là một chi tiết đặc tả cảm xúc nhân vật rất chân thực, sống động. Trong chuỗi cấu trúc của những sự kiện hình ảnh nhân vật “Em” luôn song hành cùng hình tượng người “Mẹ” với cấp độ cảm xúc cao dần theo mỗi phân đoạn:
                   Thêm một lần
                   Em tiễn anh
                   Lên đường ra mặt trận
                         Thêm một lần đôi mắt mẹ nhòa lệ tiễn đưa.
              Thêm một lần lòng người dân rực lửa.
Điệp ngữ “Thêm một lần” xuất hiện liên tiếp trong khổ đầu đóng vai trò cầu nối, dẫn dắt sự xuất hiện của chủ thể trữ tình (nhân vật “Em” xuất hiện song hành cùng hình ảnh “Mẹ” trong dòng chảy cảm xúc riêng và “lòng người dân” mang tính thế hệ, thời đại - dòng chảy cảm xúc chung) đã tạo ra cảm giác dồn dập liên tiếp, đẩy tính sự kiện lên cao khiến người đọc bị cuốn hút vào thác cảm xúc và những sự kiện tiếp theo sẽ xuất hiện trong bài mà không bị nhàm chán, ngắt quãng, hay rời rạc.
            Tuy kết cấu của toàn bài theo thể thức phân mảng, phân đoạn nhưng nhờ hiệu ứng nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ trong đoạn đầu, nên người đọc không hề có cảm giác bị bất ngờ đột ngột. Bằng thủ pháp rũ rối thời gian và không gian nghệ thuật, các đoạn thơ tiếp theo là những chi tiết đặc tả cận cảnh từng sự kiện đã xảy ra theo một lôgic tuần tự, hết sức khách quan, trọng thị:
Lần đầu tiên tiễn anh
...
Trong những ngày xa anh
...
Và hôm qua
...
 Rồi hôm nay...
            Nếu đoạn đầu mạch thơ chìm trong lớp sóng thuần tuý của hai dòng cảm xúc riêng, chung thì ở đoạn thứ hai, sự biến chuyển trong nội tâm nhân vật em dần rõ nét, định hình theo chiều sâu của tư duy, triệt để tuân thủ lôgíc và lý tính. Hình ảnh “Áo em chưa nhàu sau ngày hôn lễ” tác giả sử dụng trong đoạn này rất đắc địa, khiến tự thân câu thơ được nâng lên tầm cao nghệ thuật sử dụng ngữ ngôn, và chính ở đây sự bùng nổ văn bản đã xuất hiện, nhân vật em và áo em chưa nhàu đã trở thành siêu biểu tượng văn học. Với tính đột phá cao, câu thơ như được tiếp thêm sức mạnh mới của tầng nghĩa phái sinh khi bổ trợ cho hình ảnh “Áo em” là đôi mắt đầy lo âu của người mẹ thương con ”Mắt mẹ buồn thương xen lẫn căm hờn”, dòng cảm thức mới lạ bắt đầu được nhen nhóm với bề rộng của tầm quan sát tàng ẩn sau đôi mắt người mẹ tiễn con ra trận, nhờ vậy không gian nghệ thuật trong đoạn thơ thứ hai trở lên khoáng đạt và rộng mở khôn cùng theo chiều “Mắt mẹ” - chiều sâu thời gian “Quê mình đầy bóng giặc
Anh thương yêu
Làm sao nói được
...
Từ tâm hồn em - người vợ trẻ
Từ cõi lòng mẹ già...”.
Hình ảnh người mẹ được tác giả kỳ công xây dựng và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, qua những nét tả chân đặc sắc của nghệ thuật hội hoạ, đã phác thảo nên chân dung, người mẹ chiến sĩ, người mẹ Việt Nam, người mẹ của muôn đời mà điểm bắt đầu là “đôi mắt”, ” Đôi mắt nghệ thuật” xuất hiện ở cuối đoạn thơ thứ nhất “Thêm một lần đôi mắt mẹ nhoà lệ tiễn đưa”, kết hợp cùng đôi mắt ở đoạn thơ thứ hai “Mắt mẹ buồn thương xen lửa căm hờn” đã toát nên trọn vẹn thần thái của mẹ. Nhưng phải đến đoạn thơ thứ ba chân dung của “Mẹ” mới được xây dựng hoàn thiện với đầy đủ chi tiết sống, qua bút pháp linh hoạt, tài hoa của tác giả. Ở “Mẹ” hội tụ đầy đủ các đức tính và phẩm chất của người phụ nữ Á đông, nhuần nhị, thuần phác và giàu đức hi sinh, là cả hậu phương lớn, nơi gửi gắm niềm tin của bao nhiêu thế hệ. Đoạn thơ này các chi tiết, hình ảnh thơ được chọn lọc kỹ lưỡng và rất “đắt” khi sử dụng bộc lộ thế giới nội cảm của nhân vật mẹ
Mẹ già luôn dõi bóng
...
Giọng mẹ đượm buồn
...
Khi khát sữa mẹ chưa kịp cho bú
Nỗi lo âu mẹ bao đêm không ngủ
Thương con nhỏ mồ côi, sợ bao điều bất hạnh...
Nhân vật em trong đoạn thơ trên hầu như không xuất hiện, tưởng như bị chìm khuất đi giữa seri thi ảnh đặc tả nội tâm người mẹ. Nhưng ở trong dòng chảy của những lớp cảm xúc dồn nén này, ta vẫn thấy thấp thoáng bóng hình nhân vật em hoá thân vào lời kể của hai nhân vật phụ: cha và anh khi diễn tả về “Mẹ”.
Hai đoạn thơ tiếp theo với những cung bậc tình cảm vui mừng và quyến luyến khi cuộc chia tay sắp đến, cụm từ thêm một lần nữa lại được tác giả sử dụng như tiếng chuông hiệu báo quãng thời gian trong quá khứ đã dần cạn như hạt cát chỉ thị cuối cùng trong chiếc đồng hồ cát, có sức gợi nhớ và liên tưởng cao, nhắc nhở người đọc quay trở về với thực tại và điểm nhấn nghệ thuật chính là cuộc chia tay sắp diễn ra. Hình tượng người mẹ và em cùng xuất hiện trong khổ thơ như hoà quện vào nhau, nâng tựa cho nhau cùng phát triển và hoàn thiện hướng đến sự tròn trịa viên mãn trong nghệ thuật xây dựng tâm trạng nhân vật.    
            Âm hưởng tráng ca ngân vang suốt hành trình bài thơ chính là nội dung tư tưởng nghệ thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật thơ qua các thủ pháp (thi pháp) mà tác giả Kim Thanh đã sử dụng. Thành công hơn nữa khi vượt qua thời gian bằng sức sống mãnh liệt của nó, bài thơ “Thêm một lần tiễn đưa” đã khẳng định và đem lại cho độc giả nhiều suy ngẫm, thấu hiểu tận chân giá trị nhân sinh, nhân bản phái sinh từ các mối quan hệ qua lại giữa các thế hệ trước cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dân tộc Việt Nam giai đoạn sau giải phóng.

           

1 nhận xét:

  1. Cám ơn em đã đăng bài này vào ngày của mẹ.
    Những cảm xúc của tuổi đôi mươi đã đi qua chiến tranh vẫn còn đọng mãi em ạ.
    Những năm tháng đi qua chiến tranh, đã gieo vào lòng ta biết bao điều trăn trở cho cuộc sông shoom nay.

    Trả lờiXóa