Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Chén dâng lên mẹ: Một đời thơ






Chén dâng lên mẹ
“Con viết cho mẹ bài văn Lời mẹ tôi”

                        Con viết cho mẹ bài văn
            Mới nghe tưởng mẹ bảo làm văn chương
                        Ngoài vườn gió động cành dương
            Hiểu ra lời mẹ mắt vương lệ nhoà
                        Mẹ ơi tám chục năm qua
            Nửa đời áo rách cháo hoa nửa đời
                        Chiếu không đắp đủ chân người
            Bàn tay úp mặt ngủ ngồi ngủ nghiêng
                        Góc nhà tiếng dế đêm đưa
            Phận nghèo nước mắt đè lên phận nghèo
                        Cha đi thăm thẳm núi đèo
            Hầm lò bóng tối quấn theo bên người
                        Vật vờ lòng đất cha ơi
            Một ngày bằng cả cuộc đời bỏ đi.
                        Lớn lên lời mẹ con ghi
            Sữa từ rau cháo lọc vì chúng con
                        Con không bị những roi đòn
            Nước non che chở cho con nên người
                        Mẹ vui trăm tuổi mẹ ơi
            Chén dâng lên mẹ rót lời thơ con.
                                                                        Năm 1986
         
Nếu đem phân tích cặn kẽ các yếu tố cấu thành lên cuộc đời con người một cách độc lập, riêng rẽ theo những tuyến sơ đồ, có lẽ trong cuộc đời này chưa từng có ai làm và tất nhiên chẳng có ai dám mạo hiểm mà làm cái công việc này cả. Bởi cuộc đời một con người là chằng chịt những mối quan hệ, tương tác đan cài với nhau, xen lồng vào nhau theo những mối liên hệ dọc, ngang tự nhiên giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, với vạn vật trong vũ trụ, và cả những mối liên hệ tưởng như không tồn tại, phi tự nhiên là thế giới vô hình, siêu vô hình nữa. Thế nhưng có một yếu tố chung mà cả loài người đều phải khẳng định, thừa nhận để minh chứng cho luận thuyết đó, và nó cũng là thành tố không thể thiếu được trong cấu trúc cuộc sống trong cuộc đời mỗi con người, ấy là định tố Mẹ, là hiện thân của tri thức sinh dưỡng, mang nặng đẻ đau, nuôi nấng, nâng niu ngay từ lúc bản ngã con người vừa sơ khai khẳng định - khi Ta – bản ngã vừa cất tiếng khóc chào đời đầu tiên.
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam – tâm thức tiêu biểu cho cư dân vùng văn minh lúa nước với đặc trưng của văn hóa làng xã thuần nông, thì yếu tố Mẹ (cái ) là yếu tố văn hóa hàng đầu, nó bao hàm và chi phối hầu như toàn bộ các mối quan hệ trong cuộc đời mỗi người, yếu tố này còn biểu hiện rõ ràng và in đậm dấu ấn cho tới tận ngày nay trong dân gian, nên khái niệm văn hóa phồn thực, qua các tục lệ thờ cúng, tế lễ, hội hè (tục thờ Mẫu – đạo Mẫu, hội Linh Tình Phộc), không những thế, yếu tố Mẹ còn quyết định tới cả cấu trúc của ngôn ngữ trong thói quen giao tiếp hàng ngày, như một đơn vị từ có khả năng kết hợp cao (mệnh đề Cái + danh từ chung = tổ hợp từ mới; ví dụ như những từ chỉ vật dụng thường ngày, bàn, ghế, cây (danh từ chung) nhưng khi kết hợp cái bàn, cái ghế, cái cây thì được ngầm hiểu như một mặc định đó là yếu tố mang tính chất riêng, cụ thể hơn, có sức sống hơn).   
Trong bài thơ Chén dâng lên mẹ của tác giả Trương Công Tường, in trong tập thơ Như anh đến với em – Nhà xuất bản Hội nhà văn 2010, luồng cảm thức về Mẹ khá đậm đà, chi phối hầu như toàn bộ tư duy và cảm hứng sáng tạo, sự ám ảnh văn chương đó đã vượt ngưỡng trở thành tâm thức thi ca của Trương Công Tường:
“Con viết cho mẹ bài văn
Mới nghe tưởng mẹ bảo làm văn chương”
Sự ám ảnh xuất hiện ngay sau hai câu thơ mào đầu, đã có tác dụng như mũi kim ngọt, sắc đâm xuyên thấu lớp da mỏng manh, dễ rách, vỡ của tâm hồn nhạy cảm và tinh tế thường trực trong con người cầm bút “làm văn” những buổi đầu. Trong ngữ cảnh này ý thơ lãng đãng như không, như thực, và câu thơ tưởng như muốn thuật lại nguyên si ý nguyện của mẹ và sự ngộ nhận của người đang dợm chân bước vào con đường văn chương đầy khắc nghiệt của chốn “trường văn trận bút”. Nhưng hình như ẩn đằng sau nó là cả một chuỗi chuỗi những tâm tư, lo lắng, sự căng thẳng trong tâm trí người mẹ vì lo lắng trước dự báo tương lai của con sau này: “Con viết cho mẹ bài văn”. Bài văn của mẹ yêu cầu ở đây, phải chăng chỉ là một thử thách của mẹ khi muốn con mình “làm văn chương”:
Ngoài vườn gió động cành sương
Hiểu ra lời mẹ mắt vương lệ nhòa.
Hai câu thơ tiếp sau, đã mơ hồ trả lời được chút nào khúc mắc trong lời đề nghị của mẹ, nhưng không phải ngay thời điểm bấy giờ mà tác giả của chúng ta đã ngộ ra điều ấy. Bằng sức nặng của nghệ thuật sử dụng ngôn từ và thủ pháp rũ rối không gian đẫm tính ước lệ “vườn gió, cành sương” và thời gian (hiểu ra), tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn cái tứ sâu xa ẩn sau lời yêu cầu “viết bài văn” tưởng như giản đơn kia của mẹ, đâu chỉ là đơn thuần hay thuần túy văn chương, mà trong nội dung chữ “Văn” đó, còn là những gập gềnh, khúc khuỷu, gian truân gói trọn một cuộc đời “làm Người”.
Khi xem xét kỹ văn bản khổ thơ mở đầu, chúng ta đều nhận thấy cảm thức Mẹ đã dần định hình, theo cấp độ cao dần trong tư duy người con, tuy nhận thức còn thuần túy lý tính, biểu hiện qua mối quan hệ giữa hai nhân vật; “Mới nghe tưởng mẹ bảo làm văn chương”. Vô hình chung, hình tượng Mẹ và Con đã trở thành những điển hình tiêu biểu cho hai thế hệ, hai luồng tư tưởng, cùng hướng về một quan điểm chung “Văn và Đời”. Điểm nhấn cao nhất trong khổ thơ này nằm ở nghệ thuật phân lớp, phân cảnh và dàn dựng nhân vật thơ trên văn bản. Bằng lối “cảm” độc đáo, Trương Công Tường đã để nhân vật Con tự bộc lộ tận cùng tâm trạng, biến cả khổ thơ đầu tiên ấy thành kho thông tin, chứa đựng đầy yếu tố bất ngờ, để rồi đưa hai trạng thái nhân vật tiếp cận đến tận chân cuộc đời “kẻ làm văn”, như một định kiến giữa đời thường, chật vật, gian nan, thiệt thòi, hội tụ đủ các cung bậc cảm xúc cay đắng xa xót.      
Tiếp theo mạch tư duy của khổ thơ thứ nhất, cảm thức Mẹ xuất hiện với đầy đủ yếu tố văn hóa cấu thành, là những tia sáng ánh xạ lại từ nhân vật Mẹ rất sống động, qua cảm nhận của nhân vật Con.
Mẹ ơi tám chục năm qua
Nửa đời chiếu rách, cháo hoa nửa đời...
Phận nghèo nước mắt đè nên phận nghèo...
Vật vờ lòng đất cha ơi
Một ngày bằng cả cuộc đời bỏ đi”...
Song song cùng sự hoàn thiện cảm thức Mẹ, tâm thức Mẹ cũng dần định hình theo từng dòng cảm thức của Con về Mẹ, chính sự hi sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con, và ý thức vượt lên trên hoàn cảnh sống khắc nghiệt của mẹ, đã truyền sang con dòng tri thức sống vượt qua định mệnh, can trường chấp nhận mọi hoàn cảnh cho lý tưởng sống của mình:
“Chiếu không đắp đủ chân người
Bàn tay úp mặt ngủ ngồi ngủ nghiêng...” 
  Trải qua những hoàn cảnh tận cùng khó khăn, nhân vật Con càng thấm thía mỗi khi nhớ lại lời yêu cầu “viết bài văn” cho mẹ, thuở mình còn thơ trẻ. Và bản chất thực trong chữ “Văn” của mẹ càng tăng sức nặng theo thời gian, từ cách tính ước lệ bằng hàng chục năm, rồi bằng cả cuộc đời của một con người mà mới chỉ có thể cảm nhận được phần nào. Trong khổ thơ này nguyên lý chồng chất sự kiện (phận nghèo) và thủ pháp so sánh tương đối (một ngày, cả cuộc đời), được tác giả sử dụng thật đắc địa, nhuần nhuyễn đã tạo hiệu ứng cho xúc cảm nghệ thuật thăng hoa “Phận nghèo nước mắt đè lên phận nghèo...// Một ngày bằng cả cuộc đời bỏ đi...”.     
  Khi tách riêng khổ thơ thứ hai, và xem xét nó như một chỉnh thể nghệ thuật phái sinh, ta rất dễ lầm với hoàn cảnh thực của tác giả Trương Công Tường khi ấy, thời điểm cảm hứng bài thơ này tìm đến với ông. Ấy là khi ông đang miệt mài đi theo bước chân những người địa chất lùng tìm từng vỉa quặng trong lòng rừng sâu. Chính những chi tiết thơ kiến tạo lên hình ảnh thơ có sức sống kì lạ, khi làm nhiệm vụ phản ánh, tái tạo lại cái nghèo, cái thiếu thốn của nhân vật Mẹ và cũng tràn đầy tâm trạng; chiếu đắp không đủ chân, bàn tay úp mặt, rồi các tư thế ngủ, ngủ ngồi, ngủ nghiêng, vật vờ lòng đất, đã trở thành những biểu tượng tiêu biểu đầy tính văn học và rất sống, rất sinh động ấy lại được xuất phát từ những cảm xúc rất thực tế mỗi khi ông đi công trình. Còn khó khăn khi ấy thì có lẽ chỉ người bạn đời đầu gối tay kề của ông sau mỗi chuyến công tác, ông trở về nghỉ ngơi ở bên, dù thời gian hết sức ngắn ngủi để chuẩn bị cho những chuyến đi lần sau mới có thể sẻ chia được. Và cũng chỉ có người vợ thủy chung tần tảo ấy, người đã được thừa hưởng những đức tính của Mẹ (từ hữu thức và vô thức), mới có thể động viên ông tiếp tục vững bước trên đường trường đi theo lý tưởng của mình, sau mỗi bế tắc trong công việc, cuộc sống. Ấy là khi ông thốt lên những câu thơ mang đầy tính dự báo số phận cho nhân vật thơ :
 “Vật vờ lòng đất cha ơi
 Một ngày bằng cả cuộc đời bỏ đi .
Lối ví von đầy ngẫu tượng mà bất ngờ, tưởng chừng đã làm tan loãng đi cảm thức Mẹ đang định hình cận điểm, rõ nét trong tác phẩm, thậm chí “nó” chẳng ăn nhập gì với mạch thơ đang dào dạt tâm trạng hoài niệm, khi xen hình tượng người Cha xuất hiện giữa mạch chảy cảm thức. Đó phải chăng chính là khoảng lặng cần thiết để dòng tâm thức Mẹ tiếp tục biến chuyển thêm một nấc cao mới trong tư duy Con. Điểm nhấn nghệ thuật ở đây, được đẩy thêm lên một nấc cao mới, lời than thở của con khi cảm thấy mình bất lực trước cuộc sống, phải cất lên tiếng gọi cha ơi ngầm khẳng định sáng tỏ thêm cho tâm thức Mẹ trong lời đề nghị “viết cho mẹ bài văn” đã đề cập trong câu thơ mào đầu thêm tính nhất quán cao. Với thủ pháp sử dụng triệt để lối tư duy ngắt quãng, tâm thức Mẹ ở đoạn thơ thứ hai được Trương Công Tường xây dựng đã đạt tới vẻ đẹp của một biểu tượng văn học điển hình, thông qua đức tính hi sinh, tần tảo chung của người phụ nữ, và nỗi đau giữa dòng đời của những người phụ nữ Việt Nam trước cách mạng, vì mưu sinh mà người chồng trụ cột gia đình bắt buộc phải quên thân mình (Lấy thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng – Tố Hữu) mà lao vào chốn hiểm nguy “Một ngày bằng cả cuộc đời bỏ đi” của nghề phu mỏ. Từ tập hợp logic các sự kiện đã toát nên chân lý mọi nỗi đau đều dồn lên đôi vai người phụ nữ mà tâm thức Mẹ càng thêm ngời sáng.
Văn chương giữa chốn chợ đời, cũng tựa như viên trân châu đem trộn lẫn với đám mắt cá, mấy ai đã sành sỏi nhận ra. Ở giữa hoàn cảnh khó khăn đến bội phần, ngay cả miếng ăn còn phải dè sẻn, thì kẻ làm văn làm sao sống nổi. Vậy mà khi hoài thai tác phẩm này vào giữa những năm đất nước còn muôn vàn khó khăn (năm 1986) bài thơ vẫn ra đời và gặt hái những thành công. Có lẽ thành công nhất ấy chính là nó đã tìm được bà đỡ mát tay, trên những trang tạp chí, nhờ vậy mà tác giả Trương Công Tường đã có một cái cớ thật đáng yêu để nịnh vợ mình, người đã hết lòng chăm sóc cho chồng, cho con trong những ngày cả nước cùng khó khăn, thiếu đói, ấy là dành những đồng nhuận bút để mua quà tặng con và áo rét tặng vợ, xét hành động này theo góc độ phân tâm học đó cũng chính là biểu hiện của dòng cảm thức Mẹ đã luôn tồn tại trong mọi nếp nghĩ và quy định nên cách hành xử đầy nhân bản ấy trong nhà thơ? Từ những tình cảm chân thành ấy, tác giả đã nhìn nhận cuộc đời có phần tươi sáng hơn, lạc quan hơn. Trong khổ thơ kết đã lấp lánh niềm vui khi đã hiểu gần trọn vẹn được chữ “văn” trong lời mẹ:
Lớn lên lời mẹ con ghi
Sữa từ rau cháo lọc vì chúng con
Con không bị những roi đòn
Nước non che chở cho con nên người
Hạnh phúc của nhân vật con là khi đã hội tụ đủ tư duy và bản lĩnh giữa đời để hiểu ra ý tứ sâu sa của mẹ, thì nỗi niềm thương nhớ lại dâng trào bởi mẹ không còn trên đời này nữa. Chỉ cảm thức Mẹ trong con là luôn tồn tại, là mãi mãi, câu thơ bất chợt trở lên chát đắng, nghẹn ngào, tâm thức Mẹ một lần nữa lại được tác giả trừu tượng hóa bằng biểu tượng chén tri ân, đẫm tính khái quát, ước lệ. Không phải là chén đựng rượu lạt đời thường, mà là chén dâng và chất liệu không phải là rượu đời thường vẫn dùng để rót vào chén cúng tế, mà là những lời thơ chắt lọc từ cuộc đời, hay cụ thể hơn là từ chữ “văn” trong đời con đã trải qua và đã thấm nhuần cặn kẽ. Ở khổ thơ kết này, cảm thức Mẹ đã được hình thành trọn vẹn, hoàn thành thiên chức nghệ thuật trong công tác xây dựng nhân vật, mạch thơ khổ kết đã thực hiện tiếp sứ mệnh chuyển hóa sang dòng tâm thức Mẹ, thổi hồn cho nhân vật và đưa tác phẩm về với đời sống thực, đời sống của những mối quan hệ tâm linh:
Mẹ vui trăm tuổi mẹ ơi
Chén dâng lên mẹ rót lời thơ con.
Đọc trọn vẹn bài thơ chén dâng lên mẹ với hai mảng cảm thức Mẹ và tâm thức Mẹ là nguồn cảm hứng chủ đạo cấu thành nên hồn cốt, diện mạo bài thơ, người đọc dễ dàng nhận thấy ở đó hội tụ đầy đủ những tinh hoa của một đời người, một đời thơ đã từng trải qua mọi biến cố của cuộc sống, qua những ý thơ ăm ắp triết lý nghiệm sinh và triết luận nhân sinh. Bỏ qua mặt hạn chế xúc cảm truyền tải từ người viết đến người đọc, là điểm yếu riêng của thể thơ lục bát truyền thống bởi quy tắc gieo vần, theo luật ép buộc, thì bài thơ Chén dâng lên mẹ vẫn là bài thơ viết về chân dung cuộc đời người mẹ rất hay và có sức lay động lòng người của tác giả Trương Công Tường. 
TRẦN XUÂN ĐẠT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét