Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Cảm hứng thời đại – Sức sống của tác phẩm qua một số bài thơ




Cảm hứng thời đại – Sức sống của tác phẩm  qua một số bài thơ

Dòng chảy lịch sử 4000 năm, đã thành nguồn nội lực thúc đẩy cho cảm hứng sáng tạo hừng lên từ sâu tâm khảm mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ thi nhân. Chính tấm lòng khao khát sáng tạo, cống hiến, tiếp nối dựng xây truyền thống ngàn năm mà biểu hiện cao nhất của nó là tinh thần yêu hoà bình, yêu tự do, độc lập, yêu đất nước đã kết tinh thành nguồn cảm hứng thời đại cho dân tộc Việt những áng văn bất hủ. Tinh thần ấy, nguồn cảm hứng thời đại ấy đã chắp cánh cho câu thơ thần của Lý Thường Kiệt vang vang trên sóng nước Như Nguyệt:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
 Như hà lỗ nghịch lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư,
Âm hưởng hào sảng, tự tôn, tự tại của những câu thơ đã khiến quân xâm lược Tống phải run sợ đến tan rã ý chí xâm chiếm cõi bờ Đại Việt. Hơn 400 năm sau, cũng từ luồng cảm hứng ấy Nguyễn Trãi đã thổi hơi thở thời đại đang hừng hực trỗi dậy vào Bình Ngô cáo thành sức mạnh của bản tuyên ngôn về sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc đầu tiên (bằng văn bản): Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần đã bao lần xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có...
Qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc những năm của thế kỷ trước, dòng chảy lịch sử 4000 năm một lần nữa ghi lại những trang hào hùng, chói loà. Những trang sử ấy là mục đích, là khởi nguồn cho cảm hứng thời đại thấm sâu vào từng trang viết, từng tác phẩm đều sáng hừng lên tâm thế thời đại, tâm thế của những người chủ nhân chính nghĩa của đất nước sẽ chiến thắng kẻ địch hung tàn. Chế Lan Viên đã sớm nhận ra, cảm được ý nghĩa to lớn cùng vai trò lịch sử của thế hệ mình: Những binh nhất binh nhì mười tám tuổi/ Giết quân thù không đợi có hạt nhân..., những chiến sĩ trên tuyến đầu cầm súng đối mặt với kẻ thù trong cuộc chiến không cân sức: Ta phải đọ sức với tên cường quốc nghìn tỷ đôla man rợ/ Chân máu 5 lần nó đổ bộ lên trăng... và ông ghi lại và khẳng định tâm thế thời đại ấy rất thành công: ...Lịch sử có nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày/ Nhưng những năm tháng này chói loà, hoá thân, đột biến/ Mạnh như rốn bão, như Hoả  Diệm Sơn, như động biển/ như cấp số nhân, như tổng số thành/ như sức trăm ta nhân với triệu mình/ như vạn vật cộng vào nhau, rồng bay trái chín...
Ở những bài thơ Đất nước đời anh - tác giả Nguyễn Sĩ Đại (Phó Tổng biên tập báo Nhân dân); Bốn ngàn năm sử ký - tác giả Bùi Bá Tuân (Phó Giám đốc Trung tâm UNESSCO Đông Bắc); Non nước rồng bay - tác giả Phạm Hữu Lý (Viện phó Viện Vật lý TW), cũng minh chứng phần nào vấn đề đã đề cập ở trên, mục đích giúp bạn đọc có thể hiểu vấn đề thêm rõ ràng minh bạch mục tiêu chính của phần nghiên cứu các tác phẩm này, xin đi từ khái niệm cảm hứng thời đại người viết muốn đề cập tới (chỉ mang tính tiêu biểu cho phạm vi bài viết), có thể hiểu là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật mang tính chung /tiêu biểu cho một hay nhiều tác phẩm cùng thể loại, cùng khoảng thời gian ra đời, và đều mang đượm hơi thở của thời đại họ đang sống, qua mỗi tác phẩm độc lập, riêng rẽ nhưng lại gặp nhau tại một điểm chung trong hệ quy chiếu lý tưởng nghệ thuật, cùng góp sức kiến tạo nên dòng ý thức sáng tạo mang tính chân lý thời đại. Điểm chung này được xem như cộng hưởng hoàn hảo của các tần số sóng tâm hồn, ánh lên giá trị thẩm mĩ cho mỗi tác phẩm /văn bản/ thơ, như một mặc định chung cho một đề tài, đồng thời đó, cũng có thể coi như một phương tiện để hiểu thêm cách thức các tác giả đạt tới mục đích nghệ thuật ở mỗi cấp độ...Khi đặt vấn đề tìm đến một khía cạnh nhỏ trong mạch cảm hứng sáng tạo chủ đạo xuất hiện như một hiện tượng văn học, tuy không mới mẻ nhưng lại có sức sống bền vững và đặc biệt là tiềm tàng khả năng kiến tạo dấu ấn thẩm mĩ nhất định /giá trị thẩm mĩ/ cho đối tượng tiếp nhận /người đọc/ ở một số văn bản sáng tác văn học gần đây (bài viết này chỉ đề cập đến các tác phẩm thuộc thể loại thơ) trong sự nghiệp sáng tác của một số tác giả mà người viết ngẫu nhiên tiếp cận tác phẩm qua các phương tiện truyền thông, văn bản, văn bản điện tử (cụ thể là những bài thơ, tập thơ), ở đó yếu tố cảm hứng thời đại liệu có đóng vai trò quyết định để làm lên giá trị /dấu ấn/ thẩm mĩ cho từng văn bản thơ, hay ảnh hưởng từ sự chi phối của nó tác động đến cảm thức sáng tạo của tác giả /chủ thể sáng tạo/ trong suốt quá trình tạo tác tác phẩm? theo một cơ chế nào? Có mang tính chung /tổng thể/ hay riêng rẽ theo từng bộ phận của mối tương quan các quan hệ xét đến (chẳng hạn ý thức dân tộc, ý thức truyền thống văn hoá, ý thức truyền thống phát triển tri thức lịch sử, xã hội của các tác giả /chủ thể sáng tạo tác phẩm/ và tấm lòng, ý thức khao khát hướng về cội nguồn...).
Hệ quy chiếu 4000 năm lịch sử đã tạo ra tiêu điểm chung mang tính tiêu biểu cho một số sáng tác trong khoảng thời gian những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.  Ở đó, trường cảm hứng thời đại chan hoà, thẩm thấm vào từng mạch thơ của mỗi tác giả, khi ý thức về nó những năm đầu thế kỷ này - thế kỷ của công nghệ và khoa học phát triển đến đỉnh cao của tốc độ cơn bão sóng âm. Điều đó thể hiện khá rõ qua thi pháp mà các tác giả sử dụng trong từng tác phẩm, cụ thể ở ba tác phẩm bài viết đề cập tới là những bài thơ Đất nước đời anh, Bốn ngàn năm sử ký, Non nước rồng bay, chất liệu truyền thống được kết tinh, lắng lọc trong cảm quan hiện thực cách mạng mà tính chính luận là nguồn sữa quý cấu thành nuôi dưỡng nên. Nếu ở  Đất nước đời anh của Nguyễn Sĩ Đại là biểu hiện của ý thức kế thừa truyền thống văn hoá: Anh ra đời, nước đã bốn nghìn năm/ Vó ngựa cuốn dập dồn trang cổ sử bằng giọng điệu riêng sâu lắng, trữ tình, đằm thắm mà triết lý nghiệm sinh dóng riết thành nguồn, thành mạch tái hiện lại không khí buổi đầu dựng nước, thì Phạm Hữu Lý với Non nước rồng bay là tri thức của sự thể nghiệm tiếp nối, từ giọng điệu riêng toát lên tinh thần tri ân truyền thống dân tộc sâu sắc, rất giàu nhạc tính, ngôn ngữ, hình ảnh thơ đã mô phỏng lại được quá trình mở nước (công cuộc mở mang bờ cõi và chống giặc ngoại xâm bảo vệ trọn vẹn cõi bờ) của cha ông với âm tiết hào sảng: Đất nước bốn ngàn năm/ Con cháu lạc hồng/ Mấy thuở vang trống đồng đuổi giặc/ Xuống bể /Lên ngàn/ Vào Nam/ Ra Bắc/ Mở cõi bờ xây non nước tươi xanh. Rất gần gũi với sự phát triển logic lịch sử là Bốn ngàn năm sử ký của Bùi Bá Tuân luôn bám sát đến tận cùng sự kiện, tính kế thừa truyền thống văn hoá được đẩy cao thành triết lý sáng tạo, qua mô hình phát triển trường sự kiện (Ngàn năm thăng long) trong trường sự kiện (trong bốn ngàn năm sử ký) đã khái quát, mô tả, mô phỏng, tái hiện quá trình giữ nước và sự phát triển hình thái xã hội: Ngàn năm thăng long trong bốn ngàn năm sử ký /Ý trí vua Hùng dựng nước Văn Lang/ An Dương Vương - Âu Lạc đăng đàn/ Đại Cồ Việt - Cờ bông lau - Đinh Bộ Lĩnh. Sự tinh tế, sâu sắc trong chọn lựa và tái hiện các mô hình thật thành những hình ảnh thơ bằng hệ thống ngôn từ, câu chữ được các tác giả chú trọng, sắp xếp theo mô típ chung như một mặc định ngầm, các sự kiện được phát triển đều quy về khởi điểm xuất phát của thời gian, sau đó dùng trường liên tưởng phát triển cảm xúc sáng tạo riêng mình theo các hướng không gian luôn tồn tại cùng trường thời gian mặc định đó.
Cuộc kháng chiến vệ quốc trong thế kỷ trước, dân tộc Việt phải đối đầu với tên xâm lược đế quốc Mỹ sừng sỏ thế giới với tham vọng bá chủ thế giới và dã tâm chia cắt lâu dài tình đồng bào, tình dân tộc. Song hành và bảo đảm cho âm mưu ấy, là các loại vũ khí giết người tối tân, hiện đại đã từng khuất phục hoặc nghiền nát nền tự do của bao nhiêu dân tộc trên thế giới, dồn ép các dân tộc chịu khuất phục ấy vào vòng tăm tối của kiếp sống nô nệ. Dân tộc Việt “thà hy sinh tất cả” chứ không thể và mãi mãi không chịu khuất phục trước cường quyền, bạo ngược là ý thức truyền thống, trở thành triết lý sống còn của cả dân tộc trong suốt bốn nghìn năm qua, Chế Lan Viên đã thức tỉnh và bắt nhịp cùng ý thức dân tộc: Thời đại khác rồi Đinh Bộ Lĩnh ơi/ Không thể đánh giặc bằng cờ bông lau được nữa/ Cũng không thể như ông cha cắm cọc Bạch Đằng. Nguồn cảm hứng thời đại đã rung từng hồi chuông báo, thức tỉnh trái tim thi sĩ thức dậy và vươn lên cùng thời đại, cùng cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chính nghĩa này, những vần thơ Chế đã lĩnh hội được đầy đủ nhất những dao động của nhịp rung ấy để toả sáng vào lương tri và trái tim nhiều thế hệ con người trên dải đất hình chữ S này. Bước qua thế kỷ, vẫn nhịp rung ấy của ý thức dân tộc, nhưng trong các tác phẩm đầu thế kỷ đã có sự tán xạ và ánh xạ lại thêm nhiều góc độ quan chiêm mới, Nguyễn Sĩ Đại trở về với những ưu tư trăn trở của mình và ý thức dân tộc như những tia xạ nhỏ rải khắp tác phẩm: Người nặng quá lưu ly, nỗi đau từng hoá đá/...Ba tuổi cơm cà đi phá giặc ân/ ...Đáy hồ sâu cứ náu một gươm thần/...  Anh một mình không đi hết Nguyễn Du/ ...Bàn chân anh đi chưa đến cuối mắt nhìn.
Bùi Bá Tuân lại đau đáu tìm về dòng triết luận trí nhân, đại nghĩa với hướng nhìn chan chứa ánh nhân sinh, những chớp sáng rạch ròi, đa sắc như ánh lửa thiêng sáng trên đài hoa chiến thắng: Dân tộc Tiên Rồng đồng hướng giữ giang sơn/ Trời triều Nguyễn hoá thành Việt Nam khởi tổ.../ Tổ quốc xây nền trên muôn vàn giông tố/ Nội tặc, ngoại xâm, binh lửa, thiên tai/ Nghiệt ngã thay! Nhưng thời nào cũng Quân giỏi – Thần tài... Thăng Long ơi! Ngàn năm đâu dễ “Thập toàn”.../ Chín năm kháng chiến Điện Biên/ ...”Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử chói loà, ý thức dân tộc không đơn thuần như một khái niệm bất biến mà đã có sự biến đổi, mở rộng giàu sức biểu cảm hơn với hệ thống những biểu tượng, tượng đài chiến thắng, niềm tin tất thắng của một dân tộc biết hy sinh vì “đại nghĩa trí nhân”, của giây phút bừng thức lương tri dân tộc trước những thử thách mới của thời đại đã và sẽ ập đến, đầy bất ngờ và hoàn toàn không dự báo. Cũng chung tần số và hướng cảm nhận, góc độ ý thức dân tộc nơi Phạm Hữu Lý biểu hiện tương đối ấn tượng, được biểu đạt như nút thắt trong tác phẩm, tác giả đã thể hiện lại những rung động nội cảm thành sự ngân rung của tâm trạng thơ, nét nhạc hùng tráng, ngợi ca sự tích anh hùng và sự bất diệt của ý chí quyết thắng, quyết tâm dựng xây tượng đài chiến thắng, rộn vang nhịp điệu thời đại: Đây Văn Lang/ Vạn Xuân/ Đại Cồ Việt/ Việt Nam/ Tổ quốc gọi những tên vàng chói lọi/ Đây Thăng Long/ Đông Đô/ Hà Nội... /Sang sảng “Chiếu dời đô” thuở trước... /Dạt dào mái chèo Hoa Lư về Đại La.
            Ý nghĩa của đài hoa chiến thắng, không nằm ngoài ý thức truyền thống phát triển tri thức lịch sử, xã hội của một dân tộc, biểu hiện trước hết ở tính tự lập, tự cường, biết ta, biết bạn, biết thù, đó phải được coi là những điều kiện xác quyết cho sự trọn vẹn chiến thắng chính nghĩa ở một dân tộc có tinh thần bất khuất bốn ngàn năm. Từ biểu tượng Người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đại diện cho chủ nghĩa anh hùng dân tộc - đã để lại cho đời bài học chiến thắng đầy nhân bản mà sâu sắc tột cùng, Chế Lan Viên đã phác thảo qua vần thơ chiến đấu đầy sắc bén và nhậy cảm thời cuộc, ông đã khái quát trọn vẹn cả một giai đoạn phát triển của cuộc chiến với yếu tố tiêu biểu, thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa dân tộc Việt Nam với nước bạn láng giềng giai đoạn ấy, khi mà quyền lợi dân tộc đang dứng trước muôn vàn khó khăn để chuẩn bị cho đại cuộc thống nhất đất nước, với duy nhất một sự lựa chọn: Nguyễn Huệ bảo: “Ta đánh trận này lớn lắm/ Ai không đánh ở lại cùng ta xem đánh” /Lịch sử ngày xưa giống tựa trang này/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi cầm hoả hổ/ Thì ngày nay ta cưỡi những phi đội oai hùng/ Giết giặc giữa trời mây – Bình luận thời sự hè 72 của Chế Lan Viên . Ý thức lịch sử, xã hội đã được phát triển cao thêm với khái niệm hoàn toàn mới, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc không chỉ gói tròn trong phạm trù từng tấc đất biên giới, từng vùng biển quê hương, mà còn bao hàm cả vùng trời bao la nữa. Chế Lan Viên đã đi từ sự tự nhận thức bằng ý thức dân tộc của mình để gián tiếp đề cập tới phạm trù của ý thức phát triển tri thức lịch sử xã hội hết sức khéo léo, như một sự tự khẳng định, một phản tỉnh cần thiết với những lực lượng đối nghịch đang nhăm nhe lợi dụng thời cơ đục nước thả câu trước vận mệnh dân tộc Việt Nam. Biểu hiện khía cạnh này ở tác phẩm thơ của Phạm Hữu Lý lại có chiều đằm thắm, nhân ái hơn bởi quy định góc nhìn thời cuộc, thế sự của thời đại với ánh quan chiêm đầy tự tin, có phần viên mãn, tròn trịa về một không gian - khoảng trời lịch sử và xã hội của những anh hùng, đẫm tính nhân văn: Ngàn năm đánh giặc ngâm thơ/ Tiếng gươm khua khúc dân ca ru hời/ .../Việt Nam rồng vút cánh bay/ Hoà cùng biển lớn vui vầy bốn phương/ Ta xây cuộc sống thiên đường/ Trên nền trí tuệ phi thường nhân dân/... Đẩy mạnh thiên tính nghệ thuật trong kết cấu nội cảm nhân vật biểu trưng, Nguyễn Sĩ Đại như muốn tìm điểm đến tri thức xã hội từ tri thức lịch sử, mà cũng có thể ông như đang phân vân muốn tìm đến điểm giao thoa giữa hai luồng tri thức ấy: Loa Thành dựng móng rùa nên cung nỏ.../ Anh lớn lên lúa ngút mắt Hà Tiên... /Đường Lũng Cú chưa lên cùng đất nước... /Em mười lăm, áo đã tím hoa cà... / Nên bây giờ anh chẳng thể đi đâu... / Anh bây giờ nước mắt bốn ngàn năm/ Tiếng hát bốn ngàn năm/ Thu xanh thành vĩnh viễn/. Và Nguyễn Sĩ Đại cũng đã tìm được cho mình cái điểm lý tưởng ấy, nó là kết lắng của quá trình vận động tri thức cả dân tộc đang khao khát hướng về một ngày mai, về một điểm đến từ tương lai, từ đỉnh cao tiến bộ loài người đang hướng tới bằng sức mạnh của sự tự thức tỉnh tri thức phát triển lịch sử xã hội mang hơi hướm của đại dân tộc: Cái mỏng mảnh đời anh dù vụt biến /Xin được hoá màu hoa tha thiết ở trên đời/ Hoá cỏ lành đất Việt mãi xanh tươi. Phát triển và nâng cao tầm nhận thức về ý thức phát triển tri thức lịch sử xã hội ấy cũng để dấu ấn khá rõ nét trong tư duy sáng tạo của Bùi Bá Tuân, dường như ông đã nhận diện được quy luật tương thích của nó, cũng như Phạm Hữu Lý và Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Bá Tuân đã nắm bắt và tìm đến cốt lõi của sự tự vận động của các biểu tượng tiêu biểu: Tam đảo, Ba vì hổ phục, rồng vươn/ Tứ quý, tứ linh soi bóng Hồ Gươm/ Phong thuỷ bát phương oai hùng kỳ vĩ.  Nhưng điểm đến của Bùi Bá Tuân lại thuộc về thế giới của sự tự nhận thức, của sự tự vận động tâm linh vào niềm tin tuyệt đối, lòng tin vào tính nhân, tính thiện để làm nên chân giá trị ý thức phát triển lịch sử xã hội: Thấu hiểu muôn dân trầm trong bể khổ/ Trời đất Việt Nam “hoá độ bậc thánh hiền”.../ Thế trận lòng dân thiên thần huyền bí/ Đại nghĩa trí nhân gốc của sâu bền. Niềm tin ấy được Bùi Bá Tuân gửi gắm vào hình ảnh bậc đại chí, đại thánh của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tư tưởng của Người: Chín năm kháng chiến lẫy lừng điện biên/ Vang lời Bác Hồ tuyên ngôn bất hủ/ Hào khí ngàn năm Thăng Long trầm tích tụ/ Chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử chói loà/ Tổ quốc Việt Nam ngàn vạn bài ca/ Dân tộc anh hùng – điệp trùng cung nhạc.
            Sự chiến thắng của chính nghĩa trước phi nghĩa là quy luật tất yếu của lịch sử phát triển của một dân tộc biết đoàn kết, hướng tới mục đích sống tốt đẹp, mục đích phát triển xã hội công bằng, văn minh, dân chủ và trên hết là tinh thần bình đẳng, bác ái. Sinh thời Hồ Chủ Tịch thường căn dặn: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích giống nhà Việt Nam mà triết lý tận cùng là tấm lòng và ý thức khao khát hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ba tác phẩm trên, hệ ý thức ấy trở thành kim chỉ nam cho hướng phát triển các nguồn cảm xúc sáng tạo của từng tác giả mà biểu hiện cao nhất là tư tưởng chủ đạo xây dựng nên hồn cốt, diện mạo, cấu trúc, nội dung nghệ thuật của từng tác phẩm thơ. Tính nhất quán trong tư tưởng mỗi tác phẩm không có nghĩa là sự pha trộn các sắc thái sáng tạo hoà lẫn vào nhau, đồng bộ hoá các tác phẩm mà trái lại, qua bản lĩnh sáng tạo của từng tác giả, nó được phản chiếu lại theo mỗi cung bậc cảm thức khác nhau, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật duy cảm, nhưng mang dáng dấp của trường âm thanh, đẫm tính nhạc, ghi lại trung thực nhất sự va đập giữa các làn sóng xúc cảm toả ra từ trái tim mỗi tác giả. Vẫn là hành trình tìm về truyền thống lịch sử nhưng ở Bùi Bá Tuân là sự lý giải quá trình hình thành và phát triển của cảm xúc sáng tạo với niềm tin tưởng tuyệt đối vào bản chất loài người, là sự trỗi dậy của một tâm hồn khao khát hướng tới triết luận cuộc sống trí nhân đại nghĩa, biểu hiện căn bản của tính thiện. Nhưng ở Nguyễn Sĩ Đại lại là sự tìm về bản thể con người, là hành trình tìm lại bản ngã, bằng giải pháp đặt cái tiểu ngã vào  trong cái đại ngã để từ đó khẳng định vai trò bản ngã của mỗi con người như một hiện tồn trong lịch sử luôn song hành cùng người bạn lớn là thiên nhiên cỏ cây. Vẫn là hành trình ấy nhưng Phạm Hữu Lý lại đi sâu tìm tòi và nhấn mạnh vào vai trò quan trọng từ nguồn tri thức sống trong cội nguồn lịch sử dân tộc, dường như tác giả đang khao khát vươn tới sự bất tận của nguồn tri thức dân tộc qua biểu tượng một mùa xuân vĩnh cửu của Tổ quốc mến yêu.
            Sự tác động chi phối từ cảm hứng thời đại đến cảm quan thẩm mĩ trong quá trình sáng tạo tác phẩm của mỗi tác giả đều có thể tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật khác nhau nhưng hiệu quả đạt tới giá trị thẩm mĩ cho mỗi tác phẩm nghệ thuật lại mang tính tương đồng, tương thích, phù hợp với giá trị mĩ học của thời đại. Tuy nhiên tính phát dẫn, truyền tiếp thông tin từ chủ thể sáng tạo đến đối tượng tiếp nhận phải thông qua một trung gian / đối tượng văn bản/ nên luôn luôn tồn tại sự biến đổi, tuỳ thuộc vào góc độ nhìn nhận và phông văn hoá của đối tượng cảm nhận, khi tiếp thu tác phẩm. Nhưng rõ ràng qua những tác phẩm và tác giả ở trên, thì yếu tố cảm hứng thời đại có thể khẳng định luôn đóng vai trò quyết định để làm lên giá trị /dấu ấn/ thẩm mĩ cho từng văn bản thơ, và sự ảnh hưởng chi phối của nó đến cảm thức sáng tạo của tác giả /chủ thể sáng tạo/ trong suốt quá trình tạo tác tác phẩm là rất quan trọng? Và cũng nhờ luồng cảm hứng sáng tạo này mà tác phẩm nghệ thuật chân chính có thêm sức mạnh để tồn tại mãi mãi cùng thời gian – yếu tố cuối cùng và duy nhất giúp tác phẩm có sự sống trường tồn trong lòng độc giả.
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét