Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Trò chơi không gian trong nghệ thuật thơ HVL

Trò chơi không gian trong nghệ thuật thơ HVL

Không gian và thời gian - hai yếu tố thiết yếu cấu thành nên ý niệm về tồn tại và khái niệm về vũ trụ. Trong nghệ thuật, hai yếu tố này luôn đóng vai trò khơi gợi, đánh thức, dẫn dắt luồng cảm thức sáng tạo từ tâm hồn người nghệ sĩ. Và nó, không/ chưa bao giờ tách rời khỏi ý thức sáng tạo góp phần xây dựng nên /mảng/ không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong từng tác phẩm nghệ thuật /tập thơ/. Tuỳ thuộc vào mỗi góc độ, cảm quan riêng có của từng chủ thể sáng tạo mà sự xuất hiện của không/ thời gian nghệ thuật mang những sắc thái riêng, ghi đậm dấu ấn /ấn tượng/ của chủ thể, sâu sắc hay hời hợt, nông thô hay đằm thắm, lấp lánh những tia sáng hay nhoè nhoẹt những sắc màu, cùng tần suất xuất hiện liên tục hay cách quãng...  Và sự biến chuyển /về bản chất/ của nó (từ phạm trù không gian và thời gian vật lý sang không gian và thời gian nghệ thuật) cũng là lằn ranh giới giúp đối tượng cảm nhận /người đọc/ nhận biết được đôi chút xu hướng nghệ thuật và giá trị của từng tác phẩm, tác giả.  Bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong thơ Hàn Vũ Linh - khía cạnh không gian vật lý và không gian nghệ thuật.
Tập thơ Khoảng trời tặng em của Hàn Vũ Linh, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2011, khái niệm không gian dường như bị bẻ gãy vụn bởi những tính đa chiều của các mạch xúc cảm, cái nhìn trực diện phân chia thành những tiểu vũ trụ nhỏ bé, những vùng không gian của ý thức bị phân rã thành những hạt nhỏ, lấp lánh ánh xạ lại cái tôi nội cảm chan chứa tâm trạng, hoài niệm, tiếc nuối, để rồi những tiểu vũ trụ, tiểu không gian đó hợp nhất trong một không gian chung nhưng không đồng nhất, không thuần chất - không gian của tình yêu - không gian của trái tim khao khát mãnh liệt được tặng trao, phân phát thứ quà đặc biệt của thượng đế ban cho riêng loài người - sự cô đơn và cảm giác hạnh phúc được yêu. Ở Khoảng trời tặng em, sự dịch chuyển sắc màu và những biến chuyển của sự vận động không ngừng của không gian và cảm thức của Hàn Vũ Linh về nó, đã trở thành một trò chơi trí tuệ, một trò chơi của cảm giác về hình tượng ngôn ngữ và hệ thống biểu tượng thơ, tất cả đã đi vào dấu ấn của tri giác, mang tính tiêu biểu như các bài Khúc hát dưới mưa, Trăng, Em đợi mùa thu, Mưa hoàng hôn, Biển không em, Em hãy về, Cơn bão cuối cùng, Đêm thuỷ tinh, Thế giới song song... ở những bài thơ này, trò chơi không gian (không gian vật lý và không gian nghệ thuật) khởi hành với quy luật của trò ru bic khởi nguyên từ bố cục các mảng hình khối, nơi đó (tập thơ Khoảng trời tặng em) ngôn ngữ đóng vai trò như những thanh đệm, trượt; tri giác là lực đẩy tương tác vào khối khối những góc cạnh (không gian vật lý); và linh giác, yếu tố quan trọng nhất của thi nhân, tựa như những lực phản lại chuyển động của tri giác, nhưng không mang tính triệt tiêu cơ học đơn thuần, nó có tác dụng định hướng và kết hợp cùng những xúc cảm sáng tạo đẩy các khối hình tượng, hình ảnh thơ định hướng các chiều không gian /không gian nghệ thuật/ về lý tưởng chung /các mặt đồng màu/ của tính chân lý, của sự thanh lọc tâm hồn, và khả năng cảm nhận cái đẹp đó là quỹ đạo của tính hướng nội trong toàn bộ tác phẩm: Màn đêm trượt vội qua cánh cửa mưa ướt/ Bỗng hoá mùa đông chật chội góc đường... Con đường đêm dài, bánh xe thẳng – cong/ Lăn vật vã trong những điều vụn vặt - Thế giới song song. Sự dịch chuyển của tư duy hình tượng ngôn ngữ, khái niệm (màn đêm, cánh cửa, mùa đông, góc đường, con đường, thẳng, cong) gợi về tư duy không gian thuần tuý cơ học/ sang tư duy không gian nghệ thuật đơn thuần (màn đêm trượt, cánh cửa mưa, mùa đông chật trội, lăn trong...), và chỉ thực sự trở thành chân lý nghệ thuật thơ khi (màn đêm trượt vội, bỗng hoá mùa đông, bánh xe thẳng, cong, lăn vội vã), chính luồng tri thức nghệ thuật đã biến mảng không gian tĩnh (thực) thành một không gian sống động, linh hoạt, giàu sức biểu cảm (ảo), và nhờ linh giác của chủ thể sáng tạo, đã trở thành một không gian đầy tính nghệ thuật. Ở không gian của chân lý nghệ thuật thơ ấy, người đọc có thể tìm ra, cảm thấy, hoặc linh cảm thấy, vẫn những hình ảnh thơ đó, nhưng chúng đã mang những giá trị biểu đạt khác nhau, lượng thông tin hàm chứa nhờ đó cũng tăng thêm, những hình ảnh thơ được tái hiện và có sức sống mới vượt qua phạm vi câu chữ, ở phạm vi bài thơ Thế giới song song, hình ảnh bánh xe thẳng - cong lăn vật vã đã thấm đẫm tâm trạng và mang tính dự báo cho những số phận - Người long đong, lận đận, và đầy trắc ẩn trong trường kiếm tìm đến tận chân hạnh phúc.
Vẫn mô típ phát triển, biến đổi của các mảng không gian, nhưng ở bài thơ Đêm thuỷ tinh là sự phân rã và ánh xạ lại những mảnh vụn của triết lý nghiệm sinh thể hiện sự dịch chuyển từ không gian cơ học sang không gian nghệ thuật thơ rất nhuần nhuyễn, có sự lắng đọng, kết tinh của cảm thức vào biểu tượng thơ. Không gian bị nén chặt vào mỗi chiều vận động của tâm thức để rồi tự vỡ vụn dưới sức ép cảm xúc, không gian trong bài thơ mang tính thuần cảm: Đêm thuỷ tinh bóp vụn ánh trăng tan/ Gương mặt méo dưới đáy sông khắc khoải... Mảnh gương xám vỡ đều và tuần tự/ Chôn sau lưng những khoảng lặng mơ hồ... Trải những âm thanh gầy guộc sau vòng tay tan vỡ/ Để con đường trôi trên đêm lạnh thuỷ tinh - Đêm thuỷ tinh. Chỉ là không gian của một cuộc tình, của sự trải nghiệm giữa anh và em, và sự thể nghiệm của cá thể anh với nỗi buồn miên viễn chung của kiếp người, đang trăn trở trước mỗi rung động của chính trái tim, nhưng đóng vai trò quyết định, dẫn hướng cho nghệ thuật thơ vượt qua lằn ranh giới tưởng như mong manh nhưng lại khó vượt qua giữa không gian cơ học và không gian nghệ thuật vẫn là yếu tố tri giác và linh giác của thi nhân, sự dịch chuyển không gian từ: (Đêm, ánh trăng tan/ đáy sông... Mảnh gương xám / khoảng lặng... vòng tay/ con đường, đêm lạnh) đến: (Đêm thuỷ tinh, ánh trăng tan/ dưới đáy sông khắc khoải... Mảnh gương xám vỡ/ Chôn, khoảng lặng... vòng tay tan vỡ/ con đường trôi, đêm lạnh) đã xuất hiện một vòng lặp nghệ thuật, cấp độ cảm xúc phát triển theo chiều không gian hình xoắn ốc, tạo cảm giác nới rộng, rộng mãi biên độ không gian nghệ thuật thơ mở dường như vô hạn. Trước cái vô hạn đó đã thúc đẩy ý thức ta tìm về bản ngã như một phương tiện duy nhất để hiểu được và thoát khỏi sự cô đơn - nỗi sợ hãi bản năng đang vây bủa. Thoát khỏi sự sợ hãi hay chiến thắng sự sợ hãi bằng sự tự thanh lọc tâm hồn chỉ khi ta đã hiểu được chính mình. Và trò chơi không gian sẽ kết thúc trong tác dụng khơi gợi từ sâu thẳm những ký ức, những hoài niệm, cho cái thiện định hình phôi thai từ chính sự rung động giữa độc giả /đối tượng cảm nhận/ và đối tượng văn bản /bài thơ Đêm thuỷ tinh.
Lằn ranh giới thực, ảo và những khái niệm mặc định đôi khi cũng bị trò chơi không gian lấn lướt, bẻ cong, vặn xoắn biến dạng, xuất hiện sự phối sắc giữa các mảng màu, các sắc thái cảm xúc không thuần nhất và đầy mâu thuẫn tâm trạng, thành những bi kịch của khát vọng khiến người nghệ sĩ /đối tượng chủ động bày ra trò chơi và là chủ thể sáng tạo/ cũng rơi vào trạng thái bị chi phối về cảm xúc bởi sự xuất hiện bất ngờ và tần suất dày đặc của những ánh, tia linh giác lấp loá, ẩn sau tính chất phi lý của liên tiếp những sự việc: Biển dài hơn bờ cát/ Trắng xoá lòng những con thuyền đi lạc/ Trôi mênh mông thu rụng sóng hoàng hôn... Thời gian ngủ vùi chôn ngọn nến cô đơn/ Trong leo lét đêm chảy tan tiếng gió... / Đếm không gian yên lặng đến vô hình.../ Hoang vắng rồi từng vệt xoáy điêu linh/ Lay vạt cỏ in hình người trong cát trắng.../ Biển không em... vô tận đến bao giờ - Biển không em. Dùng hệ quy chiếu này để so sánh một hệ quy chiếu khác và thủ pháp nói ngược, nhằm phản tỉnh những hiện tượng thực tại đang tuần tự diễn ra:  Biển dài hơn bờ cát/ Trắng xoá lòng / Trôi mênh mông; thu rụng; sóng hoàng hôn... Thời gian ngủ vùi chôn ngọn nến cô đơn/ Trong leo lét đêm chảy tan tiếng gió... / Đếm không gian, vô hình.../ Hoang vắng, vệt xoáy điêu linh/ vạt cỏ in hình người trong cát trắng.../ Biển không em... vô tận đến... với nguyên lý chồng chất sự việc, sự kiện khiến cảm thức đối tượng tiếp nhận liên tục phải cập nhật với những thông tin mới, tạo hiệu ứng thẩm mĩ nhất định trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin cần tiếp nhận, bị rũ rối, từ đó không gian (thời gian) thực bị đảo lộn và hiệu quả không ngờ của nó chính là sự hoài nghi bản chất của sự việc đang diễn ra trong đối tượng tiếp nhận là sự việc có thể có thật và có thể không có thật. Và sự hoài nghi đó có thể coi là nền tảng, đồng thời cũng là khởi thuỷ của sự ám ảnh nghệ thuật - mục đích cuối cùng mà tác giả muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình - như một ấn tượng để xác định giá trị thẩm mĩ nhất định cho tác phẩm.
Ba bài thơ tiêu biểu cho ba khái niệm cơ bản về tính chân, thiện, mĩ (với cảm quan người viết bài viết này), khả dĩ có thể xây dựng nên một không gian thơ Hàn Vũ Linh. Ở đó trò chơi không gian là vấn đề chính mà tác giả bài viết này quan tâm đề cập, luận giải, hoàn toàn không nằm ngoài giá trị nhân bản, nhân văn có trong toàn tập thơ Khoảng trời tặng em. Người viết nêu ra vấn đề chỉ như một lát cắt mỏng trên lớp vỏ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ biểu đạt qua từng bài thơ, không mong đi sâu hay lạm bàn về những vấn đề như thi pháp, cấu trúc, nội dung tư tưởng của toàn tập thơ. Thiết nghĩ với triết lý sáng tạo của Hàn Vũ Linh đã bộc lộ ở phần mở đầu cuốn sách, cũng đủ giúp chúng ta, những độc giả yêu quý và trân trọng văn chương hiểu và thêm yêu quý một tâm hồn thơ đầy giông bão Hàn Vũ Linh.

TẠ THU HÀ
Biên tập viên NXB LAO ĐỘNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét