Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Những mạch chảy ngầm trong Lũ đầu mùa - của Lê Văn Triển

Những mạch chảy ngầm trong

Lũ đầu mùa -  của Lê Văn Triển - NXB Hội Nhà văn



“ Cơn lũ đầu mùa là anh/ Cơn lũ cuối mùa là em”.
Câu dân ca thái mộc mạc, giản dị đượm hơi thở núi rừng Tây Bắc, khắc hoạ hình ảnh cơn lũ cùng biến thể của nó trong khoảng thời gian xác định (đầu mùa, cuối mùa), và giữa một không gian khoáng đạt, rộng mở không cùng. (Ăn quả sim cuối mùa ở trên đồi/ em ăn cả nắng, cả gió, cả mặt trời) câu dân ca mới nghe, mới đọc lên tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu như hạt lúa củ khoai, nhưng nếu đào sâu tư duy, sẽ thấy được tầng triết lý không đơn giản chút nào của người phụ nữ vùng cao - sống đẹp là dám sống cho mình và dám yêu hết mình – ý nghĩa linh diệu đó là điểm sáng lấp lánh sau từng câu chữ trong lời ca (Trái sim chua, em muốn hái/ nhưng không hái được/ chồng em không cho, em vẫn cứ ăn).
Tập thơ Lũ đầu mùa của Lê Văn Triển cũng như thế đó. Ẩn sau mỗi bài thơ, mỗi tứ thơ đều có những tia sáng lấp lánh của trí tuệ, dưới góc nhìn hồn hậu khoáng đạt, pha chút hài hước, dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc, tinh tế của “dân kỹ thuật” trước cái đẹp và khi thưởng thức nó. Hồn thơ Lũ đầu mùa được nuôi dưỡng trong nguồn chảy xúc cảm bất tận nơi trái tim mạnh mẽ của một con người dám sống và dám nghĩ, dám yêu, dám tình nguyện dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Nàng Thơ kiêu kì, đỏng đảnh. Lũ đầu mùa đã có được tiếng nói chung của ngôn ngữ thơ với giọng điệu riêng, rất ấn tượng trong cảm nhận người đọc.
Mỗi cơn lũ, trận lũ đều có chung khởi đầu bằng muôn dòng nước nhỏ, dồn nén góp sức thành hình. Lũ đầu mùa của Lê Văn Triển hình thành từ nhiều mạch thi hứng khác nhau, nguồn thi liệu dồi dào được tích tụ lại theo từng cung, từng bậc, theo mỗi cấp độ xúc cảm để đi tới tận cùng của sự chân thực. Thi ảnh dồn nén trong một không gian thơ ước lệ, nêm chặt tâm can, thi ngôn giàu tính trí tuệ, minh triết, được sàng lọc, tuyển lựa kỹ lưỡng để rồi bung oà trên mặt giấy theo các mạch ngầm không dễ nhận biết, không dễ dự báo, tiên lượng. Nếu người đọc không thấu thị rất dễ bị phân tán, hoang mang khi muốn tìm hiểu sâu hơn và kỹ hơn về tập thơ. 
    Mong giúp người đọc dễ tiếp cận với lối thơ đầy cá tính và ngẫu hứng sáng tạo của Lê Văn Triển, bằng chủ quan riêng của người viết bài này, xin được trình bày lời nhận xét về tập thơ của Lê Văn Triển theo những mảng chính có tính nhất quán và xuyên suốt, bao hàm toàn bộ nội dung tư tưởng nghệ thuật của Lũ đầu mùa.
    Nổi bật hơn cả và cũng dễ nhận thấy trong thơ Lê Văn Triển là các mảng khai thác đề tài tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên, và con người Việt Nam qua truyền thống nhân ái, tôn trọng và biết yêu cái đẹp, biết gạn lọc chắt chiu cho đời từng phân tử hương thơm thảo từ những chi tiết tưởng chừng vô nghĩa lý, của cuộc sống vẫn diễn ra, đổi thay hàng ngày, hàng giờ xô bồ trước mắt mọi người, và xung quanh mỗi chúng ta đâu dễ nhận diện.
 Bằng trái tim nhạy cảm và trực giác tinh tế của người làm thơ, sêri những hình ảnh đó được Lê Văn Triển ghi lại chớp nhoáng và ăm ắp những dữ kiện, thông tin được truyền tải qua các thủ pháp ngắt hơi, thả chữ đầy ngẫu hứng, (Tóc đen - giờ không đen nữa/…Phố phường nhuộm nhanh đến thế/ Ngỡ ngàng gặp lại – hoe nâu. – Tóc đen). Tâm trạng hoài niệm về hình ảnh của cô gái thôn quê thuần phác đọng trong tâm khảm chàng trai – người yêu cô - đang nhung nhớ, được khắc hoạ khá đậm với những mảng màu tương phản rõ nét qua ngôn ngữ thơ mang đầy tính biểu tượng (hương bồ kết, hương mùi, hương bưởi, cây cọ, dòng sông, bến nước, để tất cả thành …/bùa mê em thả một đời…) làm nền cho tiếng thở dài tiếc nuối (nắng mưa đã làm thay đổi/ tóc đen là tóc đen ơi – Tóc đen). Đôi lúc lại lãng du như một lãng tử giữa đời, ngu ngơ chợt quên, chợt nhớ trước mối tình thủa chưa xa ấy (Có còn không ngõ quen/ hai đứa cùng sánh bước…/ chiều Nha trang chợt hiện/ một ngôi sao đợi chờ – Có còn không?).
Tình yêu đôi lứa từ bao đời nay vẫn là nguồn thi hứng bất hủ cho các thi nhân dụng bút với (n+1) các biến thể cảm xúc, trạng thái của những kẻ si mê nhau đang cùng run lên trong vũ điệu ái tình. Chả thế mà tâm trạng thi nhân Ức Trai xưa từng đã bật ra những dòng thơ trác tuyệt lưu truyền đến muôn đời, khi ông nhìn nõn chuối tươi non mà liên tưởng, gợi tới dáng hình của phong thư tình còn niêm kín. Cũng giống một nhà thơ tình nổi tiếng nước nga đã ghi lại được phần nào tâm trạng của thế hệ mình trước tình yêu khi nhìn thấy (Trên gốc cây thông cụt nở ra một bông hoa). Hay thi sĩ đất than Trần Nhuận Minh từng sửng sốt thốt lên (Trên cánh cửa gỗ lim từ thời cụ nội đã mọt ruỗng/ bỗng nở bật một bông hoa hồng - Bản sô nát hoang dã - TNM) Thì đây trong trái tim Lê Văn Triển những cung bậctình cảm mãnh liệt đó được khắc ghi khá tinh tế nhưng cũng không kém phần uyên bác (Anh nhìn sắc cỏ xanh non/ Biết lòng đất cũ vẫn còn thanh tân – Trước mùa xuân).
Nếu như tình yêu lứa đôi là bản nhạc êm dịu ngân lên trong suốt hành trình tìm đến với nàng thơ, với nghệ thuật chân chính. Thì mảng đề tài tình yêu quê hương đất nước cũng không kém phần rạo rực trong thơ Lê Văn Triển. Trong mảng đề tài này, khả năng cảm nhận hội hoạ của anh được khơi mạch, xuất thần, tỏ rõ tài hoa của một con người đa tài. Bằng tình yêu nồng nhiệt của mình, mỗi vùng đất, mỗi miền quê anh đi qua, đều để lại trong mỗi trang thơ những dấu ấn sâu đậm. Mỗi bài thơ anh viết về một vùng đất, người đọc cảm nhận như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thuỷ mặc qua những nét phác hoạ đơn sơ, nhưng đầy tài nghệ của tâm hồn lãng tử. (Bên nương đồi và núi/ ruộng lúa tràn xanh tươi…/ anh say trong điệu múa/…đắm say trong điệu khèn…/anh đi theo câu hát/ say cô gái bản cơi/ mai xa rồi còn nhớ/ khăn piêu bay ngang đồi- Phù yên mình ơi). Với hồn thi nhân, một ngọn suối, một con sông, một cảnh sắc thoáng gặp trên đường cũng đủ thành tác nhân gây hiệu ứng xúc cảm, gợi nhớ mãnh liệt về quê hương nơi sinh ra và nuôi dưỡng tuổi ấu    thơ mình. Với một con người đa cảm, luôn hừng hực ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước trong tim thì hiệu ứng xúc cảm đó càng được nhân lên gấp bội (Người đi trăng cũng đi theo/ Để ta đứng đó thả neo cuối trời…- Người đi), hoặc (Từ núi rừng sơn la xa xôi/ đến đồng bằng sông hồng màu mỡ/ từ Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ/ ta về đây xây dựng mái trường…/khắp các nẻo đường tổ quốc/ đang chờ ta - đàn em nhỏ thân thương - Giảng đường yêu thương). Quê hương hai tiếng thiêng liêng ấy ngấm sâu vào từng lời ru, câu hát là nền tảng cho con thuyền ký ức neo đậu giữa giông tố cuộc đời (Khát mệt ngồi quán bar…/ đêm về phòng lại nhớ/ bát canh cua quê nhà- Vẫn nhớ), giản dị làm sao mà cũng tha thiết làm sao (Qua dòng sông/ câu hát phải lòng nhau/ câu hát bắc cầu…/ bắt đầu từ phiên chợ ấy…/ từ mền xuôi lên/ anh cứ đi và tự hỏi…- Gặp em ở Kỳ cùng) có khi lại thấm đẫm tương tư (Bến Đoan – Hiền Quan còn đó/ Sông Thao bao mùa cạn lũ/ Đêm ngày vẫn chảy trong tôi – Tóc đen). Trong trái tim người lính trận, hình bóng quê hương được ký thác vào dáng hình một người em gái nhỏ hậu phương đang miệt mài nơi chốn giảng đường, giản dị thế nhưng không kém phần kiêu tráng, Hữu Loan từng có những vần thơ sống mãi cùng câu hát (Sao không chết người trai tuyến lửa/ mà chết người em nhỏ hậu phương - HL), thì đây trong tâm trạng giằng xé của thế hệ những người lính – sinh viên ấy (Anh không muốn xa trường/ trong mùa học tập/ nhưng không thể/ thiếu mình trong đoàn quân đánh giặc/ chiều rừng sâu/ bưng bát cơm bỗng nấc/ anh thầm bảo rằng/ ở trường có em đang nhắc – Giờ đi xa ). Đôi khi lãng đãng, hoài niệm, gợi nhớ (Quê anh trung du rừng cọ đồi chè/ tuổi thơ biết biển qua lời mẹ kể…/Máy bay B52 gầm rú bầu trời/ bom mỹ nổ, dội vào từng lớp học…/ Mỹ Khê đẹp và anh đã đến - Em có như biển không.).
Trong các mảng đề tài Lê Văn Triển dụng tâm khai thác và đã thành công phát triển cảm xúc tới tầm cao của cảm thức, thì mảng khai thác đề tài tình yêu thiên nhiên, con người với những mối quan hệ đan xen, thậm chí đối lập để rồi đi tới sự thống nhất toàn vẹn trong toàn bộ thi phẩm đạt tầm trí tuệ, tư duy có chiều sâu, với triết lý sống, triết lý nhân sinh sắc bén, tạo ra được những hướng nhìn mới, riêng cho tác phẩm của mình (Tà áo gió bay trên đường/ … Va phải quán / nhận ra mình đúng lối… - Buổi trưa bên quán nhỏ), nhiều câu thơ, tứ thơ tuy giản dị nhưng rất đễ tạo ấn tượng riêng cho người viết, người đọc ( Vào vườn hoa ven phố/ thấy hoa hồng có gai/ Lên Sơn La bản nhỏ/ Gặp cà gai không gai – Không đề), đôi khi không kém phần tinh nghịch, dí dỏm (Sông Kỳ Cùng/ Mà em có kỳ cùng đâu… em ở rừng/ sao mênh mang cõi lòng đến vậy – Gặp em ở Kỳ Cùng) thoắt lại thâm trầm, suy tư (Mưa ướt áo/ tạnh rồi lại khô/ em không mưa/ mà sao ướt mãi…- Mưa), phải chăng thiên nhiên từ muôn đời nay vẫn vậy, vẫn kỳ bí, mênh mang, khiến thi nhân đôi lúc quên cả chính bản thân mình (Một chiều bãi biển như huyền thoại/ không là thi sĩ vẫn gieo thơ… - Cát bà). trước tình yêu bao la con người dành cho thiên nhiên thì sao nhỉ? Thiên nhiên cũng đa tình đấy chứ ! (Ngô mọc nghiêng sườn núi/ Bám vào đá mà xanh…/ Sững sờ nhành ban trắng/ trong rừng chiều chơi vơi - Đêm thương Mù Căng Chải).
    Gấp lại tập thơ Lũ đầu mùa, người đọc vẫn thấy những dư âm trữ tình vang vọng trong tâm tưởng. Phải chăng đó là tiếng vọng của cơn lũ ngôn từ, thi tứ thoát ra từ tập thơ? Cũng có thể lắm chứ khi những mạch thi hứng chảy ngầm qua trái tim hừng hực ngọn lửa tình yêu phát lộ trên trang giấy thì cơn lũ cảm xúc tất thăng hoa. Hi vọng tác giả Lê Văn Triển sẽ tiếp tục thu hái được những thành công trên chặng đường sáng tác tiếp theo. Nàng thơ sẽ mỉm cười với ai dám sống hết mình cho mình và cho nghệ thuật. 

                                        Trần Dương Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét