Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chiều trong tôi – ánh mai xanh trong thơ Lại Tuấn Hiền

                       
Chiều trong tôi – ánh mai xanh trong thơ Lại Tuấn Hiền

Trong một vài năm gần đây trên các tờ báo lớn như báo Văn nghệ trẻ của hội Nhà văn Việt Nam, và một số tờ báo, tạp chí Văn nghệ của hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, thường xuyên đăng tải các thi phẩm mới, là cơ hội tốt cho các cây viết trẻ xuất hiện với nhiều phong cách sáng tác. Nổi bật và đầy cá tính sáng tạo là ấn tượng chung dễ nhận thấy của các tác giả trẻ. Trong số đó có sự góp mặt của không ít các cây viết nữ , với năng lực tìm tòi thể nghiệm phong phú, sức sáng tạo mạnh mẽ có khả năng thuyết phục độc giả cao như Vi Thuỳ Linh, Đặng Hải Yến, Trương Quế Chi, Đinh Thị Như Thuý, Lại Tuấn Hiền…cùng nhiều tên tuổi khác.
Tác giả Lại Tuấn Hiền là hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Lớn lên trên vùng đất mỏ có bề dày truyền thống lịch sử, nơi nhiều thế hệ các nhà văn, nhà thơ đã được tôi luyện trưởng thành. Hồn thơ của chị như được chắp thêm đôi cánh của niềm tin, mạnh mẽ liệng chao theo luồng gió mới tươi trẻ của nghệ thuật thi ca Việt Nam đương đại.  
Tập thơ đầu tay Chiều trong tôi được chị ấp ủ, thai ngén đã ra mắt bạn đọc vào quý III năm 2007, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, với 48 bài thơ được tuyển lựa, chắt lọc từ bộn bề cuộc sống bằng óc quan sát tinh tế, với góc nhìn nhân ái cởi mở, cùng trái tim đa cảm, dễ xúc động của người thơ trước mọi trạng thái biến đổi ảo diệu trong cuộc sống.
Giọng điệu trong toàn bộ tập thơ Chiều trong tôi trữ tình, hướng nội, dễ đi vào tâm thức người đọc. Khai thác nhiều đề tài cuộc sống, nên Chiều trong tôi có nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng thông tin trong mỗi câu, mỗi ý được sử dụng rất lớn, phù hợp với yêu cầu của nhịp sống hiện đại, tạo lập được trạng thái (“gọi được tâm hồn và ý thức”Salvatore quasimodo) cho ngôn ngữ, dẫn dắt người đọc tìm đến với cái thật vốn có của nó qua mỗi tứ thơ. (Trăng thơ ngây/ Nghiêng mình bên bàn tiệc/ Nào ai người/ Cùng trăng đắm say/ Nâng ly/ Trăng run rẩy trong tay/ Rượu tràn dốc/ Trên bàn trăng tung toé/ Những vần thơ cũng vỡ ra như thế! - Trăng ). Có khi lại (Sóng dồn dập ngả nghiêng con thuyền lá/ Hai mươi năm thời gian như đã…/ Ta là ai? Đâu đích thực quê mình. Tặng người bạn xa xứ ).
 Mỹ học Hêghen đã đưa ra luận điểm : Ngôn ngữ là thực tại trực tiếp của tinh thần, cho lên thơ bao quát được mọi đối tượng, mọi đề tài “mọi nội dung, mọi sự vật, mọi biến cố, hành động, lịch sử, trạng thái bên ngoài hay bên trong”. Nó lại thể hiện đối tượng trong sự vận động…
Cách xử lý ngôn ngữ trong mỗi bài thơ trong Chiều trong tôi được Lại Tuấn Hiền sử dụng rất sáng tạo. (Đêm đêm hương mướp tới thầm thì…/ Lọc nắng vàng hoa khép đôi mi…/ Người ta hái hết rồi trái mộng/ Bỏ lại giàn khô chiếc lá già. – Giàn mướp), hay (Vẫn búp đa già rực chiều gió nổi/ Hàng dương năm xưa rũ mình đứng đợi – Tặng người bạn xa xứ); và không kém phần sinh động, linh hoạt (Đừng để bụi mây che lấp tầm nhìn/ Vì núi lửa hực trào thác đỏ/ Vuốt mặt nhìn chờ đợi gì đâu/ Kìa vừng dương xanh tái một màu. - Đừng chạm tay vào ngực mặt trời). Mỗi hình ảnh đưa ra đều có sự chắt lọc tinh tế, nhờ thế từ những hình ảnh rất đời thường (Hãy nhìn ta kiêu hãnh đi vào biển bạc/ Ném trả không gian một mảnh trăng thề - Đừng chạm tay vào ngực mặt trời) đã trở nên sống động, thi ảnh hơn. Qua cách sử dụng câu, chữ tác giả khéo léo gọt tỉa, tỉ mỉ loại bỏ những lớp vỏ bọc phù phiếm, hào nhoáng, sáo mòn, cũ kỹ vốn có của ngôn ngữ giao tiếp để tiếp cận tới tận cùng bản chất của nó, hướng sự quan sát, vận động của cuộc sống về góc nhìn nhân ái hơn, thánh thiện hơn.(…Cha bảo ngày cây đẻ nhánh/ Là khi cây sắp trổ buồng./…Chẳng đợi ngày cây bói quả/ Cha đi vào cõi xa xôi./… Rưng rưng đôi tàu lá úa/ Rã mình ủ ấm đất nâu.- Hương chuối đầu mùa). Chỉ một hành động trồng cây của người cha già và các hình ảnh liên tiếp của quá trình sinh học, cây chuối lớn lên, trổ buồng, kết quả, để tạo đà cảm xúc cho hình ảnh cây chuối (trĩu nặng buồng thương nhớ) sự hoá thân trọn vẹn, có sức ám ảnh, day dứt hồn người đọc lạ lùng.
 Cây cỏ vô tri còn nặng tình như vậy? Huống chi mỗi con người trong chúng ta! Thật đấy. Thiên nhiên, cây cỏ xung quanh đâu có vô tình với thi nhân, hãy cùng lắng nghe lời trách móc, dỗi hờn của loài cây thiết mộc lan khi vẻ đẹp của nó bị lãng quên, bị những cám dỗ cuộc sống đời thường phủ lấp, bị những tác động của ngoại vật tước đi quyền thiêng liêng, tối thượng - được toả hương cho người tri kỷ. (Hương ngơ ngẩn vào ra khu vườn vắng/ Đâu mất rồi người thiếu nữ hôm qua?…/Thiết mộc lan/ Thiết mộc lan/ Hè đã sang ve gọi ríu ran/ Chùm phượng đỏ vỡ oà trên giấy…/ Ta lặng ngắm vầng trăng mười bảy/ Trong khuôn trăng rời rợi ánh mắt quen/ Em cũng vậy đang mùa thiếu nữ. - Thiết mộc lan). Những chi tiết mang tính dự báo, được trình bày ngắt quãng, tiết tấu dồn dập, như tiếng nấc vỡ oà, thổn thức, hờn giận, đẩy trạng thái tiếc nuối trách cứ sự thờ ơ đến tàn nhẫn của con người trước cái đẹp (Sự sống, hình ảnh người thiếu nữ) lên đến đỉnh cao, khi hai câu kết đầy tính gợi mở bung ra (Oán nghiệt trên đường/ Ta vĩnh viễn mất emThiết mộc lan). Bằng sự kết hợp của những biện pháp linh hoạt khi sử dụng ngôn từ có sức gợi, chiều sâu, tác giả đã chạm được tới vùng sâu tâm khảm của tiềm thức nơi tiềm ẩn những đức tính tốt đẹp còn tạm thời bị lãng quên trong mỗi con người.
Chiều trong tôi cũng rất thành công khi khai thác mảng đề tài tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, chủ thể trữ tình được khắc hoạ rất đậm nét, tính nhân bản có chiều sâu văn hoá đông phương, đậm đà tính dân tộc, tính thẩm mỹ cao khi viết về đảng, về Bác Hồ tôn kính ( Con sinh ra người đã yên giấc ngủ…/ Mẹ ngỡ ngàng khi nghe con gọi/ Mẹ, mẹ ơi/ Kìa Bác, Bác Hồ/ Cũng như mẹ tự bao giờ chẳng nhớ/ Hình ảnh người thân thuộc trong tim…/ Phải những điều thiêng liêng giản dị/ chảy vĩnh hằng trong dòng máu Việt Nam?Lần đầu tiên nghe con gọi Bác Hồ). Đằm thắm, dịu dàng đầy nữ tính trong tình yêu, nhưng cũng rất quyết liệt, mạnh mẽ phản kháng lại những lực lượng, những rào cản vô hình khoác tấm áo đạo đức ngăn trở tình yêu chân chính.  (Khi trái đất còn lở lói những vết thương…/ Thì tình yêu là niềm cứu rỗi…/ Những hàng rào đạo đức/ Những pháp chế vô tình…/ còn giờ đây em có anh bên cạnh/ Cùng nâng niu những khao khát ước mơ/ Ta bên nhau / Trân trọng từng giây phút- TiTanic). Ngậm ngùi xa xót khi hướng ý nghĩ về sự hi sinh, tảo tần của người mẹ trong cuộc sống thường nhật, tác giả đã đi vào khai thác sâu khía cạnh nội tâm người mẹ khi nghĩ về những đứa con, nhiều chi tiết được tái hiện chân thực, rất cảm động, (Mở rộng vòng tay khi chúng quay về/ thất bại ê chề/ Tự an ủi mình/ Còn có ích khi chúng cần người chia sẻ.Mẹ.) dòng cảm xúc cứ chậm dãi trôi về theo mỗi cấp độ, khi các con lớn, trưởng thành, va vấp thất bại, để rồi bật ra nhẹ nhàng như một tiếng thở dài về cuối, (Lại lo lắng mai sau mình tạ thế/ lấy ai chia sớt nỗi buồn khi con trẻ đớn đau. - Mẹ). Chỉ qua vài câu thơ giản dị vậy thôi, hình tượng người mẹ đã đi vào biểu tượng văn học Mẹ Việt Nam rất nhân bản. 
Khép lại tập thơ chiều trong tôi của Lại Tuấn Hiền, thay lời kết, xin dẫn lời của Jean Cocteau “…Trong luồng sáng lay tỉnh giấc mê muội, thơ phơi trần những vật kỳ dị ở xung quanh ta, mà các giác quan của ta đã ghi nhận một cách máy móc.
Không cần phải đi xa để tìm những đồ vật cùng những tâm tình quái lạ mà làm sửng sốt kẻ nào nửa tỉnh, nửa mê. Đó là phương pháp của nhà thơ tồi…
Sự cần thiết là làm thế nào để chỉ rõ cho kẻ nửa mê, nửa tỉnh vật gì hắn vẫn được biết qua nhìn thoáng hàng ngày, nhưng ta phải theo một phương diện nào, và một tốc độ nào khiến y tưởng rằng mới nom thấy, và xúc động lần đầu.
Đây chính là sự sáng tạo độc nhất mà con người được phép thực hiện…- Jean Cocteau
 Hi vọng Lại Tuấn Hiền sẽ vươn xa hơn nữa trong các sáng tác của mình.

                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét