Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

GIỌT VUI THÁNH THÓT – LỆ SẦU CHỨA CHAN



GIỌT VUI THÁNH THÓT – LỆ SẦU CHỨA CHAN
đọc tập thơ Sóng nắng của Nghiêm Thị Xuân Thịnh


Tác giả Nghiêm Thị Xuân Thịnh, người con của quê hương Đất tổ Hùng Vương, Việt Trì - Phú Thọ, tham gia hoạt động văn chương với tư cách hội viên Hội VHNT tỉnh, từng gắn bó nhiều năm với công tác giảng dạy trong ngành giáo dục phổ thông, đồng thời cũng là tác giả của nhiều tập thơ được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như dấu ấn sáng tạo riêng có của từng tập thơ, tiêu biểu như: Nôi hồng - NXB Văn hoá dân tộc 1995, Vườn ươm chiều vắng - 2002, Sóng Nắng – Nhà xuất bản Lao Động 2009, và đặc biệt một số bài thơ trong tập Sóng nắng đã vinh dự được dự tuyển vào tuyển tập “Còn mãi với thời gian” nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Lao Động, 1945 - 2010.
Chất thơ trong tập Sóng nắng được đánh giá cao bởi nghệ thuật biểu hiện và phương pháp thể hiện, khai thác đề tài thơ đã làm nổi bật được tính cách của chủ thể sáng tạo, trữ tình, giàu biểu cảm và có chiều sâu của tư duy sáng tạo, đặc biệt tính hướng nội đã bao trùm phổ quát trên hầu hết các bài thơ có trong tập, ghi lại ấn tượng thẩm mỹ rất sâu sắc.
Với ba mảng đề tài chính là tình cảm vợ chồng, đôi lứa, tình cảm gia đình, mẹ con, và tình cảm cô trò cùng những hoài niệm về một thuở còn đứng trên bục giảng. Các mảng chủ đề được sắp xếp theo bố cục đóng mở, đan cài, xen kẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát cho quá trình tư duy của độc giả khi tiếp cận thông tin từ văn bản thơ được dễ dàng hơn và đặc biệt với bố cục như vậy rất dễ tìm được sự đồng cảm của đối tượng tiếp nhận, mà không gây nặng nề nhàm chán cho tâm lý thụ cảm.
Là người phụ nữ gánh trên vai trọng trách xã hội và thiên chức làm vợ, làm mẹ trong điều kiện cuộc sống bình thường đã thực sự vất vả, vậy mà Nghiêm Thị Xuân Thịnh lại chọn cho nhân vật thơ trong Sóng nắng những trạng thái tâm trạng hết sức đặc biệt, và triển khai, phát triển nó theo những hoàn cảnh thật ngặt nghèo, thậm chí tận cùng thương đau, cùng cực. Nhân vật thơ của chị khi là người mẹ mất con, khi là người vợ goá bụa phải chèo chống bươn trải nuôi con một mình, có khi lại là người mẹ phải gồng lưng gánh vác công việc gia đình, gánh vác trách nhiệm xã hội thay người cha đã khuất của con để chăm sóc vỗ về an ủi giọt máu thiêng liêng của hai người. Thơ của chị dường như đã thấm đến tận cùng nỗi cực khổ của những người phụ nữ bất hạnh trước cuộc sống. Tất cả những điều đó đã khiến mạch thơ Sóng nắng dường như chan chứa nỗi buồn của kiếp nhân sinh, tuy vậy đôi lúc ta cũng có thể bắt gặp thấy ở tận đáy của nỗi buồn cùng cực, nhân vật thơ vẫn le lói niềm vui của sự lạc quan phát xuất từ tình yêu cuộc sống mãnh liệt và ý chí vươn lên không chịu đầu hàng trước số phận, dù nghiệt ngã.  
Điều này được thể hiện khá rõ ở mảng chủ đề thứ nhất, tình cảm của người vợ đối với người chồng đã chia xa của mình, qua các bài Sóng nắng, dưới đèn, với biển, giọt nước sông Lô, mưa, gương, gọi anh, mưa rơi, gặp anh, nhớ anh, anh có biết, ngỡ, tìm, gió đêm, nỗi nhớ, nén hương, nơi em đến, tình yêu người lính..v,v. Chân dung nhân vật thơ xuất hiện ở bài thơ mở đầu cho tập thơ Sóng nắng là hình ảnh người goá phụ cõng trên lưng gánh nặng thời gian và chuỗi hoài niệm sống:
Ba mươi năm anh vắng
            Em đan buồn thành nắng
...
Giọt giọt dài đêm mưa.
Nỗi buồn tuy vô hình, vô ảnh nhưng đã được dồn nén vào 5 câu thơ trong bài, được nghệ thuật hoá thành những sợi buồn, đã khắc hoạ rõ nét tâm trạng nhớ nhung, xa xót, ngậm ngùi và cái hành động “đan buồn thành nắng” đã đẩy bật được tính cánh kiên trung và nghị lực sống của nhân vật lên cao gây ấn tượng mạnh trong tâm trí độc giả về một mẫu phụ nữ tiêu biểu cho mô típ “sống là để cho”. Vẫn theo mô típ ấy, Ở dưới đèn là sự hồi tưởng quá vãng đẹp đẽ, một quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời người phụ nữ bất hạnh, luôn khao khát tình cảm, khắc khoải đến một tình yêu chân thành từ người bạn đời tâm đầu ý hợp, dù hiện thực đã phũ phàng xoá đi mất, chỉ duy nhất một chi tiết hình ảnh thơ trong bài đã khẳng định điều đó:
Hai ngọn đèn hai nơi
Soi tìm trong cách biệt.
Ở giọt nước sông Lô, tình cảm và tình yêu của nhân vật thơ đã được đẩy cao, nới rộng, trong hành trình phát triển tâm trạng nhân vật đã có sự biến chuyển, hoá thân vào một vùng lý tưởng của thời điểm nhân vật thơ đang sống – thời khắc chiến tranh, nhưng không vì thế mà sự chia cắt, nỗi đau mất mát giảm bớt, trái lại nó càng chan chứa, ngậm ngùi sâu đằm:
Lòng chị ào ạt sóng Bình Ca.
Sáu mươi năm anh đi xa
Thương nhớ cuốn vành khăn trắng
Chị bấm gan lam làm thầm lặng
Bình nước sông lô năm tháng thờ anh.
Đồng cảm, thấm thía, ngậm ngùi, đắng đót và xa xót trước số phận người phụ nữ sao ít vui nhiều buồn, thử tìm khắp nhân gian xem có nỗi buồn nào đằm sâu hơn nỗi buồn của sự trở trăn, mong nhớ về một thứ sẽ không bao giờ tìm lại được nữa, vĩnh viễn không tìm lại được, ngoại trừ trong giấc mơ:
Giật mình chẳng thấy anh đâu
Năm canh em chỉ gối đầu tay em
Giọt trăng sao vẫn dịu êm
Trăng ơi trăng! Cũng như em một mình...
Đau đáu trăn trở những nỗi sầu miên, nỗi đau chia cắt có bao giờ vợi nhất là nỗi đau sinh tử biệt ly đối với người phụ nữ cũng như một định mệnh luôn ám ảnh, giằng xé tâm can:
Anh!
Nén hương thoảng vào hư không
Sao khi cháy
Vẫn cong về mình.
Để rồi định mệnh ấy lại đổ trùm lên thân phận người phụ nữ mỗi khi muốn nhớ về quá vãng:
Đêm dài nước mắt tuôn rơi
Thương anh hoa cỏ lẻ loi một mình
Trách sao trời đất vô tình
Mưa ơi! Mưa ướt riêng mình em thôi...
Bất hạnh trong cuộc đời, chẳng ai muốn. Bất hạnh đổ xuống cuộc đời người đàn ông vốn dĩ can trường sinh ra để chịu đựng, để tranh đấu rồi thời gian sẽ phôi pha, nhưng với người phụ nữ không vậy, luôn thường trực về nó như một ám ảnh định mệnh. Bất hạnh nào hơn khi người chồng thân yêu đầu gối tay ấp, người bạn tri kỷ của cuộc đời mình đã vĩnh viễn đi vào lòng đất lạnh. Làm sao cầm lòng nổi khi vẫn người phụ nữ thiệt thòi ấy lại phải chịu thêm nỗi đau xé thịt, nỗi đau mất con:
Lủi thủi đêm nay về lại vườn nhà
Trăng buốt lạnh bên nấm mồ thân thuộc
Anh cùng con nằm đây ngàn thu an giấc
Khói hương bay nghi ngút quá vô tình.
Xúc động làm sao khi vẫn người mẹ ấy, người vợ ấy âm thầm khắc tính thời gian, nhưng ở đó không phải khoảng thời gian của chờ đợi sự trở về mà là chuỗi khắc khoải của sự vô vọng chia xa:
 Nắm đất nâu oan nghiệt nỡ cắt chia
Đã nắm giữ hai mươi năm có lẻ
Một núm ruột rà, một linh hồn nhỏ bé
Là xác, là hồn của mẹ xé làm đôi.
...
Thương đến thế! Mà đớn đau đến thế!
Hai mươi chín năm vẫn thảng thốt tiếng con tôi.
Thời gian có đủ sức mạnh để xoá nhoà tất cả, nhưng nỗi đau trong trái tim người goá phụ không dễ xoá nhoà, nỗi đau, nỗi buồn còn đeo đẳng ám ảnh, day dứt đến tận cuối tập thơ:
Anh đi xa trở mình trong đất lạnh
Em vẫn là em nuôi con lớn khôn
Có nén hương nào dịu được nỗi đau
Chỉ trái tim hồng ấm ủ hồn nhau.
Mảng chủ đề tình cảm vợ chồng, đôi lứa chảy dọc theo tập thơ Sóng nắng, chan chứa nỗi buồn, chan chứa tâm trạng của nhân vật thơ - người phụ nữ bất hạnh trước số phận và trước cuộc đời đầy nghiệt ngã - rất gần với triết lý quan điểm về đời của Phật đạo “Đời là bể khổ”. Nếu xét theo luồng quan điểm đó, hệ ý thức con người sẽ trở nên cam chịu, chấp nhận thực tại và thoả hiệp cùng số phận, nhưng ở mảng đề tài này trong tập thơ Sóng nắng, Nghiêm Thị Xuân Thịnh tuy vẫn giữ chung quan niệm nhìn “Đời, và khổ” nhưng ý thức nhân vật thơ thì không cam chịu, không thoả hiệp luôn trỗi dậy với sự khao khát sống, khao khát yêu thương. Tất cả đều có điểm khởi phát chung từ trái tim người phụ nữ dám chấp nhận sự bất hạnh của số phận, nỗi buồn của định mệnh, thậm chí còn sống cùng với nó, không giây phút lãng quên, sao nhãng, để rồi từ đó bằng niềm tin và nghị lực sống của mình, nhân vật thơ đã tự trỗi dậy tìm lấy những niềm vui, hiếm hoi nhưng quý giá đến vô ngần.
Với Nghiêm Thị Xuân Thịnh, niềm vui ấy chính là chân trời của nghệ thuật, là sự hoá thân trọn vẹn của xúc cảm và tài năng sáng tạo cùng nhân cách sống, hội tụ lại những giọt vui thánh thót nhỏ vào trang thơ - trang đời.
            Tập thơ Sóng nắng đã khắc hoạ chi tiết và rất thành công một dạng mẫu tự nhân vật thơ điển hình cho lớp người phụ nữ mới trong xã hội đang công nghiệp hiện đại hoá, đồng thời với mô típ phát triển và hoàn thiện tính cách nhân vật thơ là tâm trạng thơ tích cực. Nhưng với đại đa số bạn đọc, ấn tượng đầu tiên của Sóng nắng vẫn là cái tỷ lệ thức quá chênh lệch giữa niềm vui và nỗi buồn, thật đúng “Giọt vui thánh thót, lệ buồn chứa chan”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét