Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

MÁI ĐÌNH QUÊ HỒN QUÊ TẬP THƠ CỦA NGUYỄN ĐÌNH NGHỊ



MÁI ĐÌNH QUÊ HỒN QUÊ
TẬP THƠ CỦA NGUYỄN ĐÌNH NGHỊ

Khi nhận được tập thơ thứ hai của Nguyễn Đình Nghị có tiêu đề Mái đình hồn quê; Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2010, dù chưa vội đọc, tôi đã chìm đắm trong trạng thái vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nếu ở tập Mái đình hồn quê nếu Nguyễn Đình Nghị còn giữ nguyên được phong cách và thái độ sáng tạo nghiêm túc, thận trọng, hướng nội và sự tinh tế trong giao thức cảm nhận riêng như ông đã thể hiện ở Trăng khuyết hạ tuần thì tập thơ thứ hai này của ông quả thật sẽ không phụ lòng mong mỏi của bạn đọc. Lo lắng bởi với công sức và thời lượng ông dành cho sự ra đời một tập thơ trong hoàn cảnh như thế, trong thời điểm như thế, có lẽ chỉ nhằm tới một mục đích, như là cách để ghi lại dấu ấn nhân dịp kỷ niệm ngàn năm, hoặc như một món quà kỷ niệm bạn bè trong dịp diễn ra đại lễ như đại đa số người “vui mà làm thơ” khác, tất nhiên tập thơ sẽ không còn được chăm chút đúng mực về mọi điều kiện tối thiểu mà nó cần phải có, (chưa mạn bàn về chất lượng nghệ thuật), lý do là thế.
Những đoán định của tôi, tất nhiên cũng có nhiều sự không hoàn toàn logic và có thể không phù hợp với Mái đình hồn quê, nhưng cũng không phải không có cơ sở hoặc phù phiếm trong nhận định, bởi vì sau khi đã đọc trọn vẹn cả tập thơ, tôi bỗng phát hiện ra điểm đáng lưu ý nhất, có sức thu hút sự tò mò của tôi lại nằm ở cấu trúc nội tại và cách thức phân bổ đề tài cũng như tỷ lệ cần thiết cho từng mảng chủ đề, nội dung trong tập thơ đề cập đến. Thú thực chính điểm này đã đem lại cho tôi ấn tượng “giả” về cách “chơi” của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn văn bản nơi ông. Chỉ bằng một cú text đơn giản nhất, tôi đã có thể phân tích sơ qua cách thức gây sự chú ý, thậm chí bất ngờ cho tôi, một độc giả, qua sự chọn lựa tiêu đề cho tập thơ bằng biểu tượng mái đình (không gian đặc trưng cho miền văn hoá làng xã) và hồn quê (cái nôi của nền văn minh nông nghiệp). Lợi thế của phương thức này ở chỗ cặp biểu tượng đó như một mặc định sẵn trong tâm thức người đọc, chỉ cần nhắc hay gợi đến, tự bản thân nó đã ngầm được hiểu và có thể xem đó là mạch chảy chủ đạo (mang tính nội hàm), quyết định toàn bộ hồn cốt (chất lượng nghệ thuật) của tác phẩm, nhưng nếu nội dung từng tác phẩm thơ lại không đề cập đến, hoặc đề cập hết sức hạn chế vấn đề đã đặt ra thì sao đây.
Tôi đã thử đặt nó vào một góc nhìn khoáng đạt hơn, có tính bao quát tổng thể, và khoa học hơn, khi xét theo không gian thơ bên trong cái cấu trúc so lệch ấy như một hiện thực ngẫu nhiên, ấn tượng trái chiều của nghịch lý sắp xếp trình diễn bố cục, thật bất ngờ tôi đã bắt gặp một không gian thơ trải dài, liên tục, tuần tự như một hành trình lập làng, mở đất của cha ông một thuở xa xưa.
Nhớ đình xưa tế thần linh
Hai ta hưởng lộc sân đình cháo hoa
Chim xa nhớ tổ đa già
Đình soi hồ nước sen hoa giữa làng.
Vậy là ấn tượng ám ảnh đầu tiên đã xuất hiện từ một sự hoài niệm về một mái đình đã mất vì chiến tranh, vì sự đối xử không văn hoá với một di sản văn hoá của “đối tượng người”:
Đình xưa giặc pháp xoá nhoà
Xoá bao kỷ niệm giữa ta với mình
...
Ước gì đình lại khang trang
Cho tôi về hội gặp nàng yêu xưa
...
Đường quê dạo bước thênh thang
Bâng khuâng nhớ tiếc đình làng năm xưa.
Chỉ vậy thôi, chỉ là nhớ tiếc một thời đã qua, nhớ và tiếc cho một di sản đặc trưng cho tâm thế làng xã, cũng có thể xem đó chính là cái hồn quê mà Nguyễn Đình Nghị muốn gửi gắm chăng.
Chưa thể kết luận vội vã, ở trong mảng đề tài viết về làng quê, tôi còn gặp thấp thoáng những bóng dáng làng cổ thuần Việt, chỉ cần nhắc đến cái tên làng cũng đủ giúp người đọc gợi về một quá vãng xa xôi:
Cùng khoai chung thuỷ tình đầu
Từ khi khai khẩn sậy lau lập làng.
Trong không gian thuần hậu ấy, hồn quê hiện ra chân chất, mà đậm đà, thiết thực cùng lối cảm, lối nghĩ của người dân quê, về mảnh đất quê ngàn năm còn sống mãi, khiến mỗi tên làng, tên đất cũng trở lên gần gũi thân quen, thành nếp nghĩ:
Xưa kia ai đặt tên làng?
Mang danh loại củ khoai lang bãi đồng
Hay điền cao thấp nắng dông
Chiêm khê mùa thối tính trồng khoai dây. 
Đơn giản vậy đấy nhưng lại có sức sống bền bỉ, khó quên, dù vật đổi sao rời, dù cái tên làng có được “nâng cấp” thêm những mĩ tự, nhưng cái tên mộc mạc kia trong tâm thức người dân đâu dễ đổi thay bởi nó đã trở thành cái hồn thiêng muôn thuở tồn tại cùng sông núi:
Dù cho cũ mới khác danh
Vẫn dân chất phác hiền lành củ khoai.
Nếu tên làng là điểm neo giữ tâm tình người đi xa, mỗi lúc nhớ về thì hệ thống “Cây đa, bến nước, sân đình” sẽ là những sợi dây thít chặt, là nền tảng, điểm mốc cho hồn quê gửi gắm vào trong đó, Nguyễn Đình Nghị đã phác hoạ nhanh hình ảnh chiếc giếng tuổi hoa niên, như một ánh gương soi đầy tính tương phản giữa quá vãng và hiện thực.
Tròn vạnh long lanh cuối luỹ làng
Hằng nga e thẹn kéo mây ngang
Đôi ta tình tự bên thành giếng
Dưới tán đa che ngát lúa vàng.
Tất cả theo thời gian và theo mỗi cấp độ phát triển mới của cuộc sống, lại đứng trước sự vô tình của con người bị đang quay cuồng giữa cuộc mưu sinh, đã dần đi vào quên lãng, khuất lấp, thậm chí bị chôn vùi mãi mãi. Cái làng quê của Nguyễn Đình Nghị cũng đâu còn nguyên vẹn với cảnh xưa người cũ, nhưng may mắn làm sao khi bước chân nặng trĩu ưu tư của người con xa quê trở về, đã may mắn được đằm mình trong bến nước xưa, trong màu tím của cánh hoa bèo, dân dã mà thuỷ chung để ôn lại một thời:
Quê mẹ về thăm ngắm cảnh ao
Ngữ như hoa tím nở mừng chào
...
Cầu cấp mải chơi bẹ chuối thuyền
Hái hoa bèo tím cắm cờ biên
...
Hoa tím trao tay lòng nhớ mãi
Ước gì còn sống đáp công lao.
Mọi cuộc ra đi trong cuộc đời đều có mục đích duy nhất để đón đợi giây phút trở về, đất mẹ quê hương luôn rộng vòng tay đón nhận chở che những đứa con mình, chẳng kể tà ác, sang hèn khi chúng đã gửi gắm tấm thân về nơi vĩnh hằng, vì thế mỗi làng quê Việt Nam  đều có những khu nghĩa trang dành riêng cho những con người ưu tú dám xả thân hy sinh vì tổ quốc, Nguyễn Đình Nghị đã lựa chọn chi tiết thơ này để kết thúc mảng thơ đề tài về làng quê, ông đã tận dụng triệt để hình ảnh linh thiêng ấy để làm bật sáng cái hồn cốt làng quê một cách xuất sắc và giàu biểu cảm:
Bạch đàn tán nhãn nhạc ve ru
Đất mẹ ấm êm giấc ngủ bù
Cho bõ sa trường say chiến thắng
Tình quê nguồn cội chốn thiên thu.
 Mảng thơ triển khai về đề tài làng quê của Nguyễn Đình Nghị quả thực rất hạn chế về số lượng so với các mảng đề tài khác, vì thế đã tạo ra sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ phân bổ không gian thơ cho mạch thơ chủ đạo làm nên diện mạo Mái đình hồn quê. Nhưng ở bài mở đầu cho tập thơ, người đọc đã bắt gặp sự cảm hoài Nhớ mái đình xưa, rồi lần lượt là; Làng khoai; Giếng làng; Hoa lục bình; Mẹ tôi; Cha tôi; Viếng nghĩa trang với các hình ảnh đặc tả mái đình, tên làng cổ, cái giếng, hoa bèo bến nước, người mẹ, người cha và cuối cùng là hình ảnh cái nghĩa trang, điểm neo đậu cuối cùng của mỗi kiếp người. Ở đó các khối không gian cứ lần lượt và tuần tự diễn ra trên trang giấy như một quá trình vận động của cuộc sống. Điều đó đã đánh tan sự nghi ngờ trong nhận thức của tôi khi nghĩ rằng Nguyễn Đình Nghị đã tạo ra ấn tượng “giả” về cách “chơi” của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn văn bản khi lựa chọn đặt tiêu đề chung cho toàn tập thơ là Mái đình hồn quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét