Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chân dung cuộc sống trong “Miền đất lửa” Đọc tập bút ký, tản văn của Phạm Thanh Quy



Chân dung cuộc sống trong “Miền đất lửa”
Đọc tập bút ký, tản văn của Phạm Thanh Quy
           
Mỗi vùng đất,  mỗi con người đã sống, đang sống, và sẽ sống ở đó một khoảng thời gian (dù là ngắn ngủi) trên vùng đất ấy, đều sẽ có những dấu ấn nhất định. Theo quy luật của sự tương tác, và mối liên hệ ngang, dọc của quá trình tác động qua lại, đó phải là những dấu tích nơi thiên nhiên hay kỉ niệm lắng sâu trong tâm hồn con người, như những ấn tượng dễ neo bám, thẩm thấm sâu giữa tầng tầng tiềm thức, đầy lý tính. Hiện tượng đó đều chung đặc điểm khởi phát từ vị trí địa lý và không -  thời gian văn hóa. Để rồi cuối cùng, tất cả sẽ hình thành nên hồn cốt và diện mạo riêng cho vùng đất. đó là “cái hồn” của đất, của người.
   Quá trình đó Chế Lan Viên đã cô đọng và khái quát trọn vẹn trong câu thơ rất ngẫu tượng nhưng đầy triết lý: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, khẳng định đó, chính là khởi nguyên của mạch văn hóa truyền thống Việt, và nó được hình thành, tồn tại suốt dặm dài đất nước cùng đôi quang gánh và những bước chân trần của lớp lớp cha ông  Từ thuở mang gươm đi mở cõi – Huỳnh Văn Nghệ” theo một hành trình tự nhiên, rời núi về biển, khởi nguyên của tư duy hướng biển, thành tính đặc trưng nổi bật cho bề dày phát triển nền văn minh lúa nước.
Trong tập Miền đất lửa, dòng chảy văn hóa truyền thống, thông qua biểu tượng “làng” và mối quan hệ đa chiều của nó với đời sống, với con người trong hành trình vận động văn hóa mỗi vùng đất, mỗi làng quê, qua ngòi bút sắc sảo của Phạm Thanh Quy, được phản ánh chân thực và đặc biệt “rất sống”, “gợi” cho người đọc “cảm” được cái hồn cốt đã làm nên diện mạo riêng có của từng vùng đất, từng vùng văn hóa mà tác giả chủ động nhắc đến trong mỗi tác phẩm. Sức “gợi” và “cảm” này, là hiệu ứng nghệ thuật có được từ nhiều góc độ quan chiêm khác nhau khi khai thác mỗi đối tượng, mỗi sự kiện, sự việc, rồi hội tụ và ánh xạ lại bằng khả năng tư duy sắc bén, triệt để của thể loại bút ký.
Ở Phạm Thanh Quy, khái niệm nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật được kết hợp nhuần nhuyễn với khái niệm văn hóa truyền thống “làng”, “xã”, vì thế các mẫu nhân vật trong các tác phẩm của chị, đều được tiếp cận, khai thác và biểu đạt bằng những nét phác họa đơn giản mà sáng tạo, tàng chứa trong đó là cả một kho thông tin quý giá, không phải người cầm bút nào cũng có cơ duyên nắm bắt, hay nhạy cảm nắm bắt, tái tạo thành công, nếu còn thiếu một chữ tâm, một tấm lòng yêu tha thiết với vùng văn hóa ấy, con người ấy.
Khi đọc kỹ tác phẩm “Miền đất lửa” của Phạm Thanh Quy, người đọc sẽ còn tiếp tục khám phá thêm được nhiều thông tin lý thú, hữu ích mà bài viết nhỏ này chưa thể chuyển tải được hết, bởi mức độ cảm thụ tác phẩm ở mỗi người chắc chắn khác nhau. Nhưng, dù là ý thức chủ quan, ta vẫn có thể khẳng định qua Miền đất lửa; với cách lựa chọn đề tài và cách tiếp cận, khai thác, xử lý tư liệu để tái tạo lại chân thực hồn cốt và diện mạo riêng có của mỗi vùng đất, mà khái niệm đặc trưng là vùng văn hóa “làng xã truyền thống Việt Nam” đã là thành công rất lớn không chỉ với riêng Phạm Thanh Quy...
Đọc trọn vẹn các tác phẩm ký trong Miền đất lửa, sực nhớ biểu tượng “cây tre” (đã đi vào cõi bất tử của hệ thống siêu biểu tượng văn học) trong bài bút ký “Cây tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới, người viết chợt liên tưởng; Đó chẳng phải là hồn cốt “văn hóa truyền thống làng xã Việt Nam” từ bao đời nay đã được Thép Mới tái tạo thành công và hóa thân trọn vẹn nó thành chân dung cuộc sống - đó sao!...  
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả một tập sách hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét