Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

LẰN RANH GIỚI THỜI GIAN TRONG “NHỊP THÁNG GIÊNG” CỦA TRIỀU VÂN - PHẠM ÁNH SAO




LẰN RANH GIỚI THỜI GIAN
TRONG “NHỊP THÁNG GIÊNG”
CỦA TRIỀU VÂN - PHẠM ÁNH SAO


            Nhịp tháng giêng là tập thơ thứ ba của tác giả Triều Vân – Phạm Ánh Sao, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép in ấn, lưu hành năm 2010. Giữa những sự kiện xã hội đang dồn dập ùa đến, tác động trực tiếp tới cuộc sống mỗi người dân Việt Nam hôm nay, tập thơ Nhịp tháng giêng cũng chịu sự chi phối và chịu tác động mạnh mẽ từ những ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) của hơi thở cuộc sống đang hừng hực diễn ra xung quanh tới cảm quan sáng tạo, cũng như hành trình tìm và đạt tới nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả Triều Vân, điều đó trở thành dấu ấn nghệ thuật rất dễ nhận diện, xác quyết cho mạch thơ Nhịp tháng giêng hừng sáng, làm tiền đề và cơ sở phái lộ lằn ranh giới nghệ thuật trong thơ anh.
Ở riêng tập thơ này của Triều Vân, điều đó trở thành thành tố quan trọng quy định nên hai chiều cảm nhận thời gian trong cảm thức thơ (thời gian lý tính và phi lí tính), đồng thời hai mạch  chảy  thời  gian ấy vẫn ngầm tồn tại song hành với ý thức sáng tạo suốt chiều dọc hành trình tạo tác tác phẩm như một mặc định (vô thức) cho mối liên kết vô hình nhưng rất vững chắc giúp trường liên tưởng của độc giả thấu thị từng tác phẩm riêng rẽ mà không nhàm chán, hay bị phân tán, hoặc làm tan loãng mạch cảm hứng chủ đạo chung toàn tập.
            Vấn đề này đã được ngầm mặc định, ngay ở tiêu đề chung của tập, cụm từ Nhịp tháng giêng đóng vai trò biểu đạt cho hai trạng thái nhận thức về thời gian lý tính và phi lý tính. Trong mối quan hệ dọc theo chiều thời gian tuyến tính (thời gian vật lý), thời gian của thực tại, của hiện tồn, nhịp thời gian được hiểu như một thực thể có dạng thức sóng, lớp lớp những hạt sóng dồn dập, hối hả rời xa nguồn phát sáng ào ạt tỏa ra không gian. Xét văn bản theo góc độ này, ta sẽ thấy cảm quan sáng tạo của Triều Vân đã nghiêng về quan điểm và khuynh hướng sáng tác của thi sĩ Pasternak, khi ông chủ trương nhìn đời sống với tư cách nhà triết học thể hiện bằng cách khái quát hoá rộng lớn cùng nội dung tinh thần cao quí, thi nhân không trình bày với mọi người sự vật như ai cũng nhìn thấy, mà bóc trần cái bản chất sâu kín của chúng. “...Trong bản chất những tấm đan bằng đá/ cháy lá trong bản chất của mùa hè.- Pasternak”. Cách cảm nhận này còn xuất hiện rõ trong bài Tháng giêng của Triều Vân: “Cái lạnh chuyển mình mê cảm/ Đàn chim nhặt những câu ca dao cổ/ Cài vào giai điệu tháng giêng”.
            Cảm hứng sáng tác lấy thời gian cụ thể tháng Giêng làm đối tượng biểu đạt và truyền tải cảm thức của thi nhân thì có nhiều, nhiều thế hệ thi nhân đã thử ngòi bút của mình trên nó, nhưng đạt được tới cấp độ nghệ thuật thì có mấy ai? Xuân Diệu đã từng thử hình tượng hóa cái bản chất của tháng Giêng “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” và đã thành công ở đỉnh cao của thi pháp học, có lẽ không phải là khi ông hình tượng tháng Giêng thành một cặp môi gần mà chính là cái sự “cảm” trong ông được ngầm chuyển hóa vào câu thơ với duy nhất một từ “ngon”, và vì thế, khi lựa chọn ý tưởng chủ đạo cho tập thơ của mình, có lẽ Triều Vân cũng đã mơ hồ dự cảm được điều đó qua câu thơ của anh trong bài thơ Tháng giêng: “Cài vào giai điệu tháng giêng”.
            Mạch thời gian tuyến tính hay ý thức cảm nhận về thời gian cụ thể xuất hiện trong tập thơ Nhịp tháng giêng có tính liên tục với nhiều dạng thức biểu hiện, rất có sức gợi, khi thì hữu hình, cụ thể dễ nhận biết như cách cảm nhận về thời gian của các bài Chiều cuối năm với những câu thơ rất ấn tượng “Cái lạnh cô đặc lại/ Mưa chở xuân tới lay phay... Mất còn đều thêm một tuổi”, hay trong bài Chuyện cũ quan niệm về thời gian rất sáng tạo và độc đáo “Thời gian dừng trên mái trường xưa/ Dậy thì mắc nợ những ca từ sướt mướt”, đặc biệt với bài thơ Tằm chỉ với 2 câu thơ mà “chất liệu” thời gian vẫn ngồn ngộn qua hình tượng con tằm và quá trình hình thành những lời ru trong vắt như... sợi tơ... thấm đẫm triết luận nhân bản. Tư tưởng nghiệm sinh cũng góp phần không nhỏ định nên hồn cốt cho mạch thời gian tuyến tính này, nó cô đọng và đã được cô đặc lại trong bài Tuổi giàGom góp thành trang những gì khôn dại/ Vịn câu thơ đợi đón gió chiều”... ở nhiều bài thơ khác, bản thân “nó” có khi lại mong manh trong sự tự ý thức về cái còn, cái mất, cái hữu hạn và vô hạn của quan niệm hiện sinh như các bài Cháy, Thu Tây Hồ, Lỡ, Chợt, nhưng đôi lúc cũng tỉnh táo đến “ngồn ngộn”:  Ngực tháng giêng nứt mầm rạo rực” – bài thơ Tháng giêng...vv.
            Ở khía cạnh thứ hai, tức trạng thái biểu đạt thời gian phi tuyến, thời gian của tư duy sáng tạo, tháng giêng được ước lệ như một bản nhạc của tâm hồn đang vang động, đang phát đi những nhịp điệu, mau mắn, hối hả, thúc giục, tựa những âm ba khỏe khoắn, mạnh mẽ của nhịp sống đang dội vào không gian giữa mùa sinh sôi của vạn vật, của mọi sinh linh. Mạch chảy thời gian phi tuyến này bản chất là không liên tục, thường xuyên ngắt quãng như hơi thở của mùa xuân, như những mạch nước chảy qua vùng sa mạc nóng, chợt bốc hơi bay biến, rồi ngưng tụ thành những đám mây trĩu nặng hơi nước và trở về mặt đất theo những cơn mưa hợp lại thành mạch, thành dòng chảy mới, nhưng vẫn nguyên thủy bản chất của dòng chảy.  Trong mối liên kết ngang, mạch thời gian này thường xuyên phát triển theo cảm xúc sáng tạo ở từng tác phẩm thơ riêng rẽ, độc lập, đóng vai trò như một tác nhân thúc đẩy sự ham muốn sáng tạo bản năng, tuy không thường trực nhưng lại là yếu tố quan trọng, cần thiết giúp cho việc xác định lằn biên giới cảm thức về hai mạch chảy thời gian xuất hiện, xác tín cho từng cấp độ và mức độ nghệ thuật có được trong tác phẩm. Ở bài thơ Hà Nội thu và em ta thấy rõ ràng lằn ranh giới của hai mạch chảy thời gian ẩn lậu qua tứ thơ, khi mạch thời tuyến tính thường trực xuất hiện cùng không gian heo may, nắng, mùa thu, không gian Hà Nội hôm nayHà Nội ngày xưa, không gian của những ký ức, quá vãng, thì mạch thời gian phi tuyến cũng thấp thoáng lộ diện sau các hình ảnh lá thu chạm heo may, chim kéo nắng, về rắc hạt, tiếng chuông pha loãng Hồ Tây, Hoa chàng – kén trải vàng, thu lơ đãng dừng trên ngôi nhà cổ. Ở một số bài Tuổi mười chín, Sót lại hồ sen, khá tiêu biểu là câu thơ “Hững hờ mây vắt qua hai khoảng trời - Hai khoảng trời”,...vv, từ đó, lằn ranh giới thời gian thấp thoáng phát lộ, ánh xạ những tia sáng nghệ thuật lung linh.
                                                            Với hai mạch thời gian cuộn chảy theo chiều xúc cảm của tập thơ, vấn vít đan cài nhau, giàu tính tương hỗ, bổ trợ, nâng đỡ cho tư tưởng nghệ thuật chủ đạo của tập thơ Nhịp tháng giêng định hình và phát triển từng cấp độ, kết hợp cùng cấu trúc nội tại của không gian tập thơ (không gian trong của bố cục, phân mảng, phân khối; không gian ý tưởng của từng bài thơ, hình thức thể hiện ngôn từ, câu chữ), đã làm nên thành công nhất định cho tập thơ Nhịp tháng giêng của Triều Vân.
            Nhịp tháng giêng xứng đáng là một tập thơ có chất lượng đáng để độc giả lưu tâm.
             
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét