Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

ÁM ẢNH ÂM THANH TRONG BÀI THƠ “TIẾNG SUỐI”



ÁM ẢNH ÂM THANH TRONG BÀI THƠ “TIẾNG SUỐI”
CỦA PHẠM CÔNG HỘI

Tiếng suối

Suối ơi có biết chăng là
Ra đi để lại mình ta lại rừng
Bóng chiều đã đổ trên lưng
Con chim trói cột
   từng
        nhịp
            thưa
Suối ơi suối tự bao giờ
Từ đâu suối lại, ta chưa hiểu mình
Ta chìm trong đáy nước xanh
Suối ôm ta giữa mối tình nước mây
Xôn xao một chút ban ngày
Đã nghe ánh mắt dâng đầy bóng đêm
Ở đây rừng vẫn hơi men
Suối đi liệu có một phen trở về.

Khi đọc bài thơ Tiếng suối của tác giả Phạm Công Hội đăng trong tuyển tập thơ Còn mãi với thời gian nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Nhà xuất bản Lao Động (trang 249), người đọc không khỏi băn khoăn, thắc mắc, thậm chí bị ám ảnh bởi tiêu đề bài thơ khi đặt nó trong bối cảnh nhận thức chung, toàn văn. Hình ảnh con suối trong bài, có thể coi là chủ thể trữ tình thứ hai (sau chủ thể trữ tình thứ nhất là cái tôi của tác giả), thậm chí có thể coi “nó” như một nhân vật thơ chính được hiện hữu sống động qua hàng loạt thủ pháp nhân cách hoá, và lạ hoá sự vật, sự việc bằng sự xuất hiện của nhiều lớp ngôn ngữ giàu tính gợi mở và hướng tư duy đa chiều trong cấu trúc toàn bài. Sự ám ảnh thơ ở đây là chính là yếu tố “lạ”, khi tác giả tuyệt nhiên không dung tới một chi tiết thơ nào đặc tả /hay mô tả/ thanh âm của “nó” (tiếng suối) ngoài sự băn khoăn hoài cảm, thậm chí trở trăn day dứt, giằng xé trong tâm trạng truy tìm mã giải (code) cho sự khởi nguồn con suối /chủ thể suối/.
Thông thường trong quá trình sáng tạo tác phẩm, việc chọn đặt tít bài cũng đồng thời diễn ra cùng công việc chuẩn bị “bếp núc văn chương” để chủ thể sáng tạo sửa soạn đón nhận đứa con tinh thần ra đời, có nghĩa thao tác chọn đặt tít bài có thể sẽ xuất hiện trước thao tác tìm tứ, chọn ý, cũng có thể là sau khi ý, tứ hoặc nội dung bài thơ đã hoàn thành trọn vẹn, như một phần của một chỉnh thể nghệ thuật hiện hữu. Và tất nhiên, tít bài sẽ phản ánh một phần hay toàn bộ nội dung bài thơ. Theo lô gíc diễn giải, có lẽ tác giả Phạm Công Hội đã sai lầm hoặc thiếu nhất quán trong quá trình chọn tiêu đề cho tác phẩm? Để tít bài thơ hoàn toàn đi lệch với nội dung biểu đạt /xét theo mặt ngôn ngữ sử dụng trong ngữ cảnh thơ/... Những băn khoăn đó theo tôi khá lâu, có lẽ cũng nửa năm trời trong thâm tâm luôn đeo đuổi mong tìm hiểu cho tường tận cái âm thanh“Tiếng suối” kia.
Theo thời gian mọi sự cũng dần phai nhạt, dù ta có kiên trì đến mấy! Có lẽ rất đúng với nội dung hai câu thơ mở đầu bài thơ của Phạm Công Hội: Suối ơi có biết chăng là/ Ra đi để lại mình ta lại rừng.
Nhưng lại có lẽ, tôi xin nhấn mạnh, mọi sự dù ta cố tình quên lãng hay bản thân nó vô tình bị “chìm” đắm trong mớ hỗn mang của ký ức ta, có thể nó, sẽ chưa bao giờ chịu khuất lấp hẳn, bởi chỉ cần một điều kiện nhất định nào đó phù hợp và đủ mạnh, tác động đến cái cơ chế vi diệu đang âm thầm vận hành trong tâm hồn, cũng đủ khơi gợi lại từ tiềm thức xa xăm những vấn đề tưởng như đã mãi mãi bị xoá nhoà trong bộ nhớ kia. Cơ chế vi diệu ấy đã đến với tôi trong một lần tình cờ, khi đã quá ngán ngẩm những cuộc rong chơi nhàm chán nơi đô hội, lặng lẽ theo đám bạn ngao du vào cánh rừng thông xanh ngút ngát của vùng đất địa linh nhân kiệt thăm núi Yên Tử. Như một mặc định trên suốt cuộc hành trình đầy mệt nhọc, qua chùa Cầm Thực, tới suối Giải Oan dưới chân núi Trúc, đang mê mải ngắm nhìn từng chiếc lá tùng úa vàng rơi trong gió, bỗng giật mình khi nghe tiếng của chú chim bắt cô trói cột trong trẻo ngân vang như muốn khẳng định cho lũ người ham chơi là chúng tôi hãy dè chừng chớ xâm phạm vào lãnh địa sinh sống của chúng. Tiếng chim bắt cô trói cột vừa vang lên bên này, phía bên kia sườn núi lại văng vẳng lời đáp lại, chỉ chưa đầy nửa phút cánh rừng thiêng bỗng tràn ngập tiếng chim nghe như van lơn, năn nỉ giữ bước đám người đang băn khoăn dợm chân bước qua suối vắng. Bỗng đâu bên tai tôi chợt ngân nga âm điệu của câu thơ: Bóng chiều đã đổ trên lưng/ Tiếng chim trói cột gõ từng nhịp thưa/ Suối ơi suối tự bao giờ/ Từ đâu suối lại ta chưa hiểu mình. Lạ nhỉ, có suối ắt có mạch, có nguồn, để từ đó thành sông, thành biển. Cái triết lý “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” của nhà hiền triết xưa, hình như cũng lý giúp tôi lý giải được phần nào cái khát vọng tìm đến tận chân bản chất suối nơi tác giả Phạm Công Hội. Rõ ràng vẫn là tiếng chim bắt cô trói cột trong trẻo đang liên tiếp bủa vây đám người chúng tôi giữa rừng chiều vắng tựa như đang có muôn vàn mắt lưới thanh âm giăng mắc kín không gian, vậy mà trong thơ Phạm Công Hội, tiếng chim đã được làm lạ hoá khiến tâm hồn người đọc có cảm giác rã rời vì buồn tẻ bởi cái nhịp điệu được gõ lên trong không gian hay trong tâm hồn nhà thơ khi ấy rõ ràng lại rất thưa, và tôi đã có thể minh chứng qua cấu trúc của câu thơ đang đều đều bỗng như bị rời ra và rõ ràng chậm hẳn lại: Bóng chiều/ đã đổ/ trên lưng/ Tiếng chim/ trói cột/ gõ/ từng/ nhịp/ thưa tiết tấu nhịp điệu rõ ràng: 2/ 2/ 2/ 2/ 2/ 1/ 1/ 1/ 1, để rồi thoắt chuyển dập dồn như hơi thở dài, gấp gáp đầy tâm trạng, thậm chí bất an vì háo hức mong đợi, vì nôn nóng chờ đợi một tia sáng bất ngờ có thể sẽ xuất hiện, ùa tới rọi chiếu, soi sáng cơn khát tâm trạng: Suối ơi suối/ tự bao giờ/ Từ đâu suối lại/ ta chưa hiểu mình. Ở hai câu này, nhịp điệu thoắt biến đổi từ: 3/3/4/4, đã xuất hiện biến thể trong cấu trúc câu lục.
Sự linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ cũng được Phạm Công Hội triệt để tận dụng ở câu bát, với ngữ cảnh thơ như vậy, rõ ràng sự đa nghĩa của ngôn từ đã được khai thác tối ưu và phát huy hết khả năng biểu đạt của nó qua sự kiện xuất hiện đại từ nhân xưng “mình” vị trí cuối câu, cuối nhịp. Phạm vi ngữ cảnh hai câu lục bát này, từ “mình” vừa có thể hiểu là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, giúp ý thơ đong đầy tâm trạng và thuần nội cảm. Ở vai trò ngôi thứ hai, câu thơ toả sáng khi hình tượng suối đã được đặt vào vị trí của nhân vật trữ tình bằng thủ pháp nhân cách hoá /mình = suối/, đó cũng là nét tinh tế riêng có của người sáng tạo góp phần đưa bài thơ chạm ngưỡng nghệ thuật, tuy thế vẫn chưa thể coi đó là một chỉnh thể hoàn chỉnh, chỉ là tương đối trong duy nhất một ngữ cảnh.
Khi mọi thứ đều chỉ là tương đối thì chân lý có thể bị hoài nghi về bản chất bất biến và vĩnh cửu, việc tìm đến với dòng suối tri thức, với tận cùng tâm trạng con người, có thể sẽ là cứu cánh. Lĩnh vực âm nhạc, cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã dùng nốt nhạc của tâm hồn để tấu lên tâm trạng một con người, một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, con người sinh ra từ cát bụi, lại trở về với cát bụi như một chân lý hiển nhiên của cuộc sống, của quy luật sống. Địa hạt văn chương cũng in dấu chân biết bao thế hệ người làm thơ từng nuôi dưỡng, khao khát tìm ra một phần chân lý cuộc sống ấy, thậm chí ở đây, giữa đám người đang phiêu du hướng đỉnh Yên Tử là chúng tôi cũng vậy, chạy trốn chốn xô bồ náo nhiệt đầy bon chen đến nghẹt thở, chạy trốn hàng núi công việc nhàm chán mà ngày nào cũng diễn ra giống ngày nào đến nơi mây nước chạm nhau này chẳng qua cũng chỉ mong vớt vát lại cho mình chút ít bản ngã đang mỗi ngày thêm tha hoá.
Một đám đông lố nhố hội tụ đủ cung bậc của cảm xúc viên mãn và ngời hạnh phúc, đang roi rói cười dưới đáy suối Giải Oan, chẳng cần nhìn kỹ, tôi dám đoán chắc có tới chín mươi tám phần trăm là nguỵ tạo theo thói quen của nếp sống hàng ngày, bởi tuy chân bước tới phật môn nhưng tâm dạ chúng tôi còn đang gửi lại các quán đặc sản thịt thú rừng rải kín hai bên đường tới tận cổng chùa. Lại vẫn tiếng chim bắt cô trói cột kiên nhẫn vang lên bên tai nhắc tôi nhớ về Tiếng suối. Rõ ràng tiếng chim giờ đây không còn rổn rảng như trước, đang thấp thoáng vọng lên từ đáy suối chứ hoàn toàn không phải từ bốn phía không gian ập lại. Những câu thơ lại vang lên: Ta chìm trong đáy nước xanh/ Suối ôm ta giữa mối tình nước mây/ Xôn xao một chút ban ngày/ Đã nghe ánh mắt dâng đầy bóng đêm. Cái sự chìm trong đáy nước và sự nổi, dâng đầy bóng đêm trong ánh mắt là mâu thuẫn tâm trạng được đẩy cao đấy, có thể hiểu đó phải là tâm trạng của một trạng thái tinh thần đang cô đơn đến cùng kiệt, hình ảnh con suối ôm ta /hay bóng ta/ chỉ là ảo ảnh, hay sắp bị biến thành ảo ảnh bởi cái sự cố hữu đa cảm sẵn có trong tim tác giả trước cái hiện trạng: Xôn xao một chút ban ngày, có tính phù du gợi sự kết hợp giữa mây trời với nước suối đang trôi, tạo tiền đề cho các dữ kiện thơ đồng loạt quay lại giằng xé tâm can chủ thể, như muốn thiêu huỷ đi cái phần bản năng đang nỗ nực trỗi dậy. Chính giây phút này, giây phút vàng của sự thăng hoa sáng tạo đã làm văng ra khỏi cái quỹ đạo thường thấy của bất cứ người cầm bút nào trong hoàn cảnh này một chút ánh sáng, một chút âm thanh đẹp đến rợn người, cái ám ảnh về cội nguồn đã bị dồn vào đôi mắt đang dần nhuốm màu bóng tối Đã nghe ánh mắt dâng đầy bóng đêm, nói lên tất cả chỉ là sự tồn tại của nỗi cô đơn, tuyệt vọng bản thể người trước thiên nhiên, cũng như giới hạn của tầm hiểu biết của họ trên hành trình tự kiếm tìm khám phá bản thân. Nỗi ám ảnh cao nhất ở đây chính là sự sợ hãi đến rợn ngợp trước sự tha hoá không thể chối bỏ của bản ngã. Thì đây, vẫn dòng suối ấy đã chảy suốt hành trình với bao trắc ẩn, gập ghềnh, đến tận cùng bài thơ còn chảy: Ở đây rừng vẫn hơi men/ Suối đi liệu có một phen trở về như muốn thực chứng cho sự hoài nghi về số phận long đong của con người giữa cuộc đời đầy trắc ẩn.
Đám người du hành đổ về mỗi lúc một nhiều, cái sức quyến rũ, lôi cuốn của đám đông thật đáng sợ, du đẩy đôi chân tôi ngập chìm vào làn nước mát lạnh của Giải Oan, tiếng chim trói cột đã ngưng lại tự lúc nào, nhưng giai điệu âm thanh của nó hình như vẫn còn văng vẳng trong tôi, rã rời, buồn thê thảm. Có lẽ sức mạnh đám đông nhốn nháo đã làm lũ chim hoảng sợ thật sự, đành tạm rút khỏi lãnh địa ngàn đời của chúng, cũng như tôi đang bị cuốn đi mỗi lúc một xa khỏi dòng suối để biến tan vào màu xanh của vương quốc trúc rừng.
Rời xa hẳn con suối mới bất chợt thấy tiếc vì chưa kịp lắng nghe tiếng suối ở đây khi chảy luồn lách qua những hòn cuội sẽ có âm thanh đặc thù thế nào, cũng hệt như tâm trạng khi đọc bài thơ tiếng suối mà tôi đã dẫn dắt, lý giải ở phần đầu, trong phút giây mơ hồ nuối tiếc, lại ngộ ra một điều, nỗi ám ảnh từ tiếng suối trong bài thơ phải chăng là những thanh âm không thể nghe thấy bằng thính giác hay trực giác, mà nó là tiếng nói, là thanh âm thường trực ngân vang trong linh giác mỗi chúng ta, bắt buộc mỗi chúng ta phải tận dụng tối đa năng lực thụ cảm của mình khi muốn hiểu tường tận về bản chất thế giới này, cuộc sống này. Đó chính là tiếng hát, bản nhạc suối, là thanh âm ngân lên từ cấu trúc ngôn ngữ bài thơ Tiếng suối của Phạm Công Hội.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét