Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Những sắc thái thiên nhiên trong thơ Trần Đức Đủ

Những sắc thái thiên nhiên trong thơ Trần Đức Đủ

Nhắc đến Trần Đức Đủ, người yêu thơ văn của Bắc Giang lại nhớ đến một người có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng tầm nhìn nhận chữ “văn” trong văn chương không hề nhỏ, và đặc biệt rất “say” thi phú, người đã dành trọn tâm huyết tuổi trẻ của mình gắn bó thuỷ chung với hành trình sáng tạo văn chương.
Trần Đức Đủ biết làm thơ từ thuở nhỏ, lại được kinh qua nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học, nên trên cánh đồng văn chương, con người nhỏ bé ấy như một người thợ cần mẫn lao động, cần mẫn gom nhặt tinh hoa từ thế giới tâm hồn mình dâng hiến cho đời những trang thơ đượm hơi thở của cuộc sống, và lấp lánh sắc màu tươi mới. Khi tiếp cận thơ Trần Đức Đủ, ấn tượng ban đầu rất dễ nhận thấy là nguồn cảm xúc trẻ trung luôn thường trực, hiện diện như một mặc định cho số phận người thơ, gây cho người đọc cảm giác hình như trong công việc sáng tạo, Trần Đức Đủ không chỉ đóng vai người gieo hạt chữ lên những cánh đồng ngôn ngữ và rồi chờ đợi chồi non nghệ thuật nảy mầm vươn lên từ những khoảnh khắc bất chợt, mà còn có sự chủ động tìm kiếm, chăm bón, chọn lựa những mầm tơ khoẻ mạnh để từ đó tìm ra cách chăm sóc đặc biệt bằng xúc cảm riêng có của người đủ bản lĩnh sáng tạo làm nên điều kỳ diệu cho riêng bản thân mình.
Với 2 tập thơ Mẹ ngồi têm nắng  (Nxb VHDT năm 2005) và Cánh đồng mây (Nxb VHDT năm 2010), liên tiếp ra đời trong một khoảng thời gian đủ để độ chín của cảm xúc thơ lên men, Trần Đức Đủ đã tự khẳng định bản lĩnh của mình trong đội ngũ những người cầm bút sáng tác của Bắc Giang, và cũng ý thức được trách nhiệm của các tác phẩm trước công chúng yêu thơ.  
Hai tập thơ với hai mạch chủ đạo dựng xây hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu với những đức tính và niềm tin yêu cuộc sống luôn song hành thường trực, cùng luồng ý thức khơi dậy của bản thể con người trước mọi rung động sâu sắc và biến đổi vi diệu (các trạng thái biến đổi của thiên nhiên, các trạng thái biểu hiện của mối quan hệ con người) trong cuộc sống thường nhật. Nhưng vượt trên tất cả, có sức bao hàm toàn bộ hai mạch thơ ấy lại là luồng ý thức của cảm xúc sáng tạo khởi nguyên từ tình yêu thiên nhiên đem lại. Sự lắng đọng kết tinh của cả quá trình trải nghiệm sống nơi chủ thể sáng tạo cũng nằm không nằm ngoài cái lấp lánh của sắc màu tự nhiên đến tận nguyên thuỷ của các gam màu. Sự giao hoà bản thể cùng xúc cảm tinh tế có được từ thiên nhiên vẫn là mấu chốt biểu đạt cho mạch cảm hứng nghệ thuật và khơi dậy những tiềm năng thi hứng còn ẩn sâu sau lớp vỏ ngữ ngôn.
Trong tập thơ Cánh đồng mây, độ giao hoà giữa các gam màu thiên nhiên đã đạt tới đỉnh cao xúc cảm của chủ thể sáng tạo, hay nói cách khác đã tới độ chín của khả năng sử dụng và tư duy ngôn ngữ trong từng bài thơ, hãy thử chiêm nghiệm:   
Tháng xanh liềm hái trăng treo
Ngày vàng nở ngọn mùa theo chân người
Hạt mầm tí tách reo cười
Xôn xao hương cốm đất trời vào thu. Nghe tiếng chim gù
Sự chuyển hoá tinh tế từ cảm hứng về con người trước thiên nhiên là con đường ngắn nhất dẫn đến sự khám phá thế giới giúp tác giả dễ dàng thể hiện hơn qua những cung bậc sáng láng của gam màu yêu thương:
Chỉ hơi ấm bàn tay
Và mùa xuân ở lại
Đậu trên môi con người. Mùa xuân ở lại
Hội tụ đủ các yếu tố của màu sắc thiên nhiên là hạt lúa trên đồng, Trần Đức Đủ đã nhìn thấy trong nó không chỉ đơn thuần là sắc màu của mưa, của nắng hay thuần khiết hơn nữa là lời ru hời của người mẹ ru con trong những trưa hè chan chứa nắng, bằng góc độ quan chiêm hoàn toàn mới mẻ tác giả đã mạnh dạn sử dụng thủ pháp so sánh tương đối giữa hạt thóc với câu thơ và điển hình hoá chúng như những biểu tượng:
Mỗi hạt thóc nhọc nhằn mưa nắng
Mỗi vần thơ tóc thêm phần bạc trắng
Phận hạt thóc lấm lem bùn đất
Phận câu thơ biển đời lăn lóc... Thơ và lúa
Rõ ràng sắc màu chủ đạo của bài thơ đã được chuyển hoá từ thuần tuý thiên nhiên phận hạt thóc sang một cấp độ cao hơn là sắc màu của nghệ thuật phận câu thơ. Sự cảm nhận về hạt thóc, câu thơ trong bài đều mang đậm sắc màu của sự vất vả, lăn lộn, đắng cay, thấm thía làm sao.
Cây tre gắn bó bao đời với làng quê Việt Nam, sự gắn bó thân thiết với màu xanh riêng có của sự quần tụ, thanh bình nơi thôn dã cùng đời sống con người đã được Nguyễn Duy khái quát hoá bằng hai câu thơ nổi tiếng:
Tre xanh có tự bao giờ
Tự bao giờ đã có bờ tre xanh.
Cái yên ả đến ám ảnh của luỹ tre một lần nữa được Trần Đức Đủ khai thác, nhưng không phải là gam màu truyền thống của thiên nhiên ban tặng cho luỹ tre, mà nó đã đi tới cái tận cùng của sắc màu, của sự kết tinh, hội tụ nơi bông hoa tre:
Trông lên đỉnh ngọn hoa tre nở bừng
Mới hay trước lúc đời ngừng
Tận dâng cho hết cái từng chắt chiu. Hoa tre
Cây tre đã thoát hài khỏi gam màu mặc định về nó, đã đi vào bờ cõi của hệ thống biểu tượng, nơi đó có sự hoá thân, có sự bươn trải, đau đáu của một số phận và cái sắc màu đặc trưng của bông hoa tre ấy, tuy tác giả không đặc tả, nhưng người đọc cũng có thể cảm được màu sắc của sự hy sinh, dâng hiến, và cao hơn hết chính là sắc màu tinh thần thiện nguyện đầy tính nhân văn.
Hạt muối mặn mòi là quà tặng của biển khơi ban cho loài người, chỉ bằng nét ký hoạ tác giả đã đưa ra một khung cảnh thiên nhiên sống động gam màu của sự trắc ẩn như hiển hiện trước mắt bạn đọc:
Muối ơi! Muôn hạt mặn mòi
Mà sao? Vẫn nhạt đầy vơi kiếp người. Vô đề
Giọt mồ hôi của mẹ, sự lam lũ của một kiếp người trọn đời bạn cùng ruộng nương khoai sắn, hình như mọi sinh linh dù nhỏ bé cũng biết nhớ tới công ơn ấy, cũng cảm được công lênh của mẹ mà tự hoá thân thành sự tri ân:
Hạt thóc vọc bùn non
Dảnh mạ xanh tóc mẹ
...
Bông lúa phơi lưng còng
Cháo khoai mầm sắn sượng,
...
Mồ hôi vun luống cày... Cánh đồng mây
Giọt mồ hôi của cha, là sự cô đọng các sắc màu của trời, của biển, là hành trình  chuyển hoá của sự tự nhận thức, hội tụ những gian nan nhọc nhằn và trải nghiệm cuộc sống trong quá trình lao động, nhuận sắc cho tâm hồn:
Nếu được cha xin  làm biển biếc
...
Nếu được cha xin là bầu trời
...
Chỉ có giọt mồ hôi mang hình hạt thóc
Mới làm nên vóc dáng của đời con. Giọt mồ hôi hình hạt thóc
Thơ Trần Đức Đủ gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt ở tập thơ Cánh đồng mây là tập hợp của các hình ảnh thiên nhiên được tái tạo, hồi sinh lại qua các trạng thái biến đổi kỳ diệu của sắc màu từ cụ thể đến trừu tượng trong công tác sử dụng ngôn ngữ thơ, điều đó có được trong thơ chính là nhờ vào dấu ấn của sự quan sát tinh tế và khả năng thụ cảm riêng có cùng bản lĩnh sáng tạo của riêng mỗi tác giả. Sự thành công trong nghệ thuật thơ Cánh đồng mây là tác giả đã đưa tới bạn đọc một phương thức quan chiêm, thể nghiệm và cảm nhận mới, giúp độc giả tiếp cận và khám phá thêm nhiều biên độ của sắc màu cuộc sống vốn dĩ tồn tại quanh mỗi chúng ta, nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra tận chân của nó. Cánh đồng mây thật sự là một bức tranh nghệ thuật về đề tài thiên nhiên vô cùng kỳ thú và linh diệu của Trần Đức Đủ.
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét