Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MÀU CỦA ĐẤT DẤU ẤN RIÊNG CỦA TRẦN ĐÌNH THẮNG



MÀU CỦA ĐẤT 

DẤU ẤN RIÊNG CỦA TRẦN ĐÌNH THẮNG


Khi có việc hội họp của cánh văn chương Quảng Ninh, dù bất cứ địa bàn nào, từ Uông Bí đến Hạ Long, Cẩm Phả hay Móng Cái, Vân Đồn, Quảng Yên hay Hà Nam, hễ  nhắc đến “Thắng Nhà máy điện”, sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời của cánh đam mê văn chương, thơ phú trong tỉnh: “Tưởng ai chứ Trần Đình Thắng thì tôi quá rành, “tay chơi” cự phách đấy!”. Với ai đó không quen cách nói chuyện kiểu “dân dã” ầm ào của cánh văn chương trẻ Quảng Ninh chúng tôi, khi mới nghe qua thông tin trên sẽ giật mình và không tránh khỏi sự phân vân, ngờ vực về Trần Đình Thắng, để tránh sự hiểu lầm về  hai từ “Tay chơi” này, tôi xin được “giải”nghĩa luôn về Anh, một người con của giai cấp công nhân, của vùng đất Mỏ giàu truyền thống bất khuất, nơi hàng năm cung cấp sản lượng than, điện không nhỏ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia.  
Hai từ “Tay chơi” ở đây, chỉ có nghĩa trong cái thú chơi tao nhã của cánh văn nghệ sĩ, đó là sự thán phục ngầm bề dày kinh nghiệm sáng tác và năng lực sáng tạo tác phẩm của một tay viết chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Quả thực chỉ cần nhìn vào lượng đầu sách của anh xuất bản những năm gần đây cũng đủ minh chứng cho sự sáng tạo bền bỉ, không ngừng nghỉ cùng niềm đam mê với nàng thơ, với duyên nghiệp văn chương, với ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc. Nếu một lần bạn được tiếp xúc cùng anh, có lẽ rất khó quên ấn tượng thân thiện, nhiệt tình, toát ra từ phong thái của một người đàn ông lịch lãm, từng trải, đặc biệt với cánh viết trẻ, anh luôn tỏ thái độ trân trọng, cầu thị ham hiểu biết và tích cực trau dồi tri thức, mặc dù anh đã là hội viên của Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, và đã xuất bản hơn mười đầu sách với những thành công nhất định trong nghệ thuật (Huy chương vì sự nghiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam). Nếu ai đó có điều kiện đọc được đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu của anh đã được xuất bản như: Khi tình yêu đếnNhà xuất bản Quảng Ninh; Rừng cuối hạ - Nhà xuất bản Lao động; Thao thứcNhà xuất bản Văn học; Cái đẹp lên ngôiNhà xuất bản Văn học; Hương đấtNhà xuất bản văn học; Chiều tímNhà xuất bản Văn học; Vườn nắngNhà xuất bản Hội nhà văn; Gieo hạt tình yêu – Nhà xuất bản Hội nhà văn; Đất nhớ - Nhà xuất bản Hội nhà văn; Màu của đất - Nhà xuất bản Hội nhà văn. Với Màu của đất sẽ nhận thấy ngay sự đột phá trong văn phong, trong thi pháp của riêng Trần Đình Thắng.
Tính đột phá tự thân là yếu tố nội tại tàng ẩn trong cảm hứng chủ đạo của tập thơ Màu của đất có tính chất chi phối toàn bộ nội dung nghệ thuật của tập thơ, quyết định sự thành công và tạo ra dấu ấn riêng biệt rất Trần Đình Thắng cho Màu của đất, đó là sự hoài niệm, thao thức, khao khát hướng tới một đích sống đẹp, là sự trải nghiệm, hun đúc chính mình, nhìn lại chính mình và tìm lại chính mình /bản thể Người/ giữa muôn mối quan hệ trong cuộc sống, trong nghệ thuật ứng xử với mục đích sống của bản thể Người /đối tượng thể nghiệm/ bằng ngôn ngữ của nghệ thuật thi ca.  
Sự thể nghiệm chính mình đôi khi chỉ là những phép tự thử bản lĩnh của con người/ chủ thể sáng tạo/ nếu đọc lướt chỉ thấy cái tính chất chung chung, thực thực, nhưng khi nếu đọc kỹ và tư duy sâu hơn, ta sẽ thấy rõ ràng không đơn giản chút nào bởi ẩn sau từng con chữ, từng hình ảnh thơ được tác giả khéo léo sắp đặt, cầu kỳ tỉa chuốt, là ý nghĩa sống còn, là tầng sâu triết lý, của tri thức: ..Không lo xa thì phải chịu buồn gần/ Để lỡ nhịp không thể vào cầu nhảy… / Không hổ thẹn với người sinh dưỡng / Rễ ăn đắng mà lòng cây vẫn sướngHoài Cảm. Hay sự tự khám phá cảm xúc của chính mình rất chân thật, hồn hậu: Vẫn là trời biển mênh mang/ Vẫn là bờ cong huyền diệu toả ánh vàng/ Khiến ta luôn nhớ - Trở vê Bãi Cháy. Tinh tế làm sao, khi qua ngòi bút Trần Đình Thắng, chỉ một phút loé sáng, đã kịp ghi lại hình ảnh rất đời thường nhưng lại đằm sâu nét “văn hoá Làng” trong bản chất người nông dân thuần phác hồn hậu - một tính cách rất Việt:  Tôi không ngờ được về thành phố/ Mang theo mùi đất ải cỏ khô - Về thành phố; và điệp khúc: Tôi không ngờ lại về thành phố vang lên suốt bài thơ như khẳng định thêm cho sự trải nghiệm và lớn lên trong cảm thức của chủ thể sáng tạo.
Đích sống đẹp của mỗi người là lòng hướng thiện, là sự phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ, là nỗ lực vượt lên chính mình trong mọi hoàn cảnh khách quan hay chủ quan. Trong Màu của đất, đó là lòng tự hào thế hệ, lòng tự hào truyền thống cha ông và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng khuynh hướng sử thi hiển hiện qua một số bài thơ đóng vai trò chủ điểm, là ánh sáng dẫn dắt tư tưởng và chế định riêng giọng điệu cho thơ Trần Đình Thắng: Sinh ra trong lều tranh của cha/ Chôn nhau nơi vườn màu của mẹ/ Lưỡi liềm cùn cắt rốn lay nhay…/Tôi gắn hồn vào nắng, vào mưa/ Chứa đầy câu ca dao ngọt ngào của mạ…Dân làng tôi cực khổ/ Làm lụng quanh năm mà không đủ sốngMàu của đất; Sự khát khao vươn tới ấy, là động lực thúc đẩy mọi hành động, quy định trạng thái cảm thức của nhân vật biểu đạt, và tuyến nhân vật, biểu tượng - đối tượng được biểu đạt, tìm tới hoà cùng dòng cảm thức thời đại đầy hào sảng: Làm cách mạng Tháng tám năm Bốn nhăm/ Dân vác đòn sóc chạy băng băng…/Giành lại chính quyền…mỗi bữa nấu cơm mạ bỏ nắm gạo nuôi quan vào hũ…/ Thanh niên nhập ngũ/ Tập quân sự bảo vệ chính quyền…/ Đội thiếu niên diễu hành/ Hô vang khẩu hiệu… Màu của đất.   Tấm lòng hướng thiện ấy không hề sao nhãng, cho dù ở mọi hoàn cảnh khách quan hoặc chủ quan tác động, giữa cận kề cái sống và cái chết, cái tồn sinh và không tồn sinh: Trăm bù nòi nậy đã vắng teo/ Mồ mả cha ông bom cày đạn xới…/ Mồng Tràn, Rỏi Mốc, Xoài Chùa không còn nữa/ Bom Mỹ phá tan ngay trận đầu - Thuỷ Khê ngày mới. Trải bao biến cố dập vùi nhưng chính từ những thử thách đó cái sự khao khát hướng thiện kia càng được đẩy lên cao thêm thành niềm tin bất diệt vào cuộc sống tươi đẹp, thành triết lý sống đẹp:  Cứ sống yên vui trọn lẽ thường/ Hẹn những mùa vàng gặt hái vui.
Với hành trình thơ của Trần Đình Thắng, tập thơ Màu của đất đã hé mở trong anh một hướng nhìn mới về chính bản thân mình trên đường trường kiếm tìm con chữ, khẳng định sự đổi mới nội tại trong nguồn cảm hứng sáng tạo của anh, điều đó thật vô cùng quý giá với người theo đuổi nghiệp văn chương. Hi vọng “Tay chơi” Trần Đình Thắng sẽ tìm thêm cho mình được những ánh nhìn mới lạ hơn nữa, góp thêm chút sắc hương làm đẹp cho đời, cho cuộc sống mỗi ngày thêm một niềm vui.    
   
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét