Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Con đò, nút thắt nhân sinh trong thơ Nguyên Linh



Con đò, nút thắt nhân sinh trong thơ Nguyên Linh

Từ xa xưa, hình ảnh con đò đã gắn bó sâu sắc với tâm thức người dân Việt Nam, trước khi xuất hiện những “cây cầu nối những bờ vui”, thì con đò vẫn là phương tiện chính giúp con người hai bờ nối kết với nhau, từ giao thương buôn bán, trao đổi nông phẩm hàng hoá đến trao đổi giao lưu văn hoá, đồng thời nó cũng là phương tiện giúp giảm đi khoảng cách của không gian văn hoá giữa nông thôn và thành thị, giữa các miền văn hoá với nhau. Vai trò của con đò trong đời sống nhân sinh khó mà hình dung cho hết, cho thật tường tận, đủ đầy.
Xã hội ngày càng phát triển, kể từ khi xuất hiện cây cầu đầu tiên của Việt Nam cách đây dư trăm năm do ảnh hưởng của văn hoá đại Pháp (cầu sắt Long Biên do kiến trúc sư Effel thiết kế 1889), cho đến thời điểm hiện tại, những cây cầu liên tục được xây dựng, xuất hiện theo nhu cầu giao thông phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, thì hình bóng những con đò ngày càng lùi xa vào tiềm thức dân gian, nguy cơ mai một dần có thể sẽ không còn xa xôi nữa.
Số phận những con đò một thời đã từng là biểu tượng của sự phát triển phồn vinh “Trên bến dưới thuyền”,  hình ảnh những con đò ngang, đò dọc đã từng làm nên một miền văn hoá đặc trưng sông nước, theo thời gian rồi cũng tha hoá dần, cho đến một ngày kia, khi chúng ta vừa chợp mắt, khi thức giấc đã chẳng còn tìm thấy dấu vết của nó để thực chứng nó đã từng tồn tại như một thực thể hữu hình.
Những văn nhân, thi sĩ được thiên phú bẩm sinh đã sớm tiên liệu ra điều đó, và nhờ họ mà nét văn hoá đặc trưng từ ngàn xưa sẽ không thể mất đi, cũng như những bóng đò xưa không còn tồn tại trên bến sông xưa, nhưng di ảnh của nó vĩnh viễn tồn tại trên những trang viết, để từ đó thẩm thấu sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam hiện đại hôm nay như những ám ảnh đẹp của Nguyễn Bính về một Cô lái đò với lòng cảm thương sâu sắc.
Trong tuyển tập thơ Còn mãi với thời gian, Nhà xuất bản Lao Động 2011, giới thiệu tác giả Nguyên Linh với chùm thơ 5 bài, trong đó có tới 4 bài thơ tác giả gợi nhắc đến hình bóng đò xưa, xây dựng nên một không gian thơ rất đặc sắc, ấn tượng và biểu cảm thành một giọng điệu thơ riêng đáng chú ý, qua việc tác giả đã chọn lựa được những hình ảnh con đò thơ giàu trắc ẩn, đẫm tính nhân sinh và sử dụng linh hoạt như một siêu biểu tượng văn học, có nghĩa ở mỗi hoàn cảnh thơ, mỗi mô típ cấu trúc thơ khi xuất hiện đều có tác dụng đặc trưng khơi gợi thức tỉnh tiềm thức người đọc như một mặc định ngầm.
Tính nhân sinh thức tỉnh của con đò hay nỗi ám ảnh day dứt trong tâm thức con người mỗi khi nhắc về nó được Nguyên Linh sử dụng như một phương thức bộc lộ nội tâm, như một nhu cầu diễn giải, giãi bày tự nhiên ngay trong hai câu thơ mở đầu bài Sang ngang:
Tiễn anh, em tiễn sang ngang/ Con đò đêm ấy lang thang không về.
Chỉ một bước dấn thân của người sang ngang để con đò hoài niệm lang thang mãi. Người đọc dẫu biết con đò là vật vô tri vô thức nhưng khi hoá thân vào hệ thống biểu tượng thì trong tâm thức cũng đồng nghĩa với sự vô thuỷ vô chung kết gắn, neo đậu nét đẹp văn hoá thuần nông Việt Nam ngàn năm. Ở bài thơ này, tác giả chỉ mượn hình ảnh con đò để toát lên tâm trạng day dứt của hai chủ thể trữ tình hay để giãi bày cho đến tận cùng tâm trạng nhân vật nhưng chính hình ảnh con đò đã có sức sống tự thân và tác giả bằng sự tinh tế của sự cảm nhận riêng mình đã thổi thêm cho nó cái hồn nhân sinh khiến câu thơ toả sáng.
Mẫu tâm trạng ấy thường trực trong hành trình sáng tạo của Nguyên Linh như một ám ảnh nghệ thuật và định mệnh, khiến mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp con đò xuất hiện đều gợi đến những rung cảm sâu xa nhất trong cõi tiềm thức người thi nhân đa cảm, đa sầu, hoài niệm càng trở lên thêm thấm thía, day dứt và sâu sắc ở bài Đợi đò với hai khung thời gian tưởng như tách biệt mà không hẳn vậy, vẫn thuần nhất trong tâm trạng: Cái đêm anh đứng đợi đò/ Đồng khuya bãi vắng con cò ăn đêm.
S tinh tế, yếu tố thiết yếu làm lên nét tài hoa cho bài thơ qua cách khai thác triệt để mâu thuẫn giữa hai khung không gian, ở không gian mở đầu bài thơ: Con sông lúc nổi lúc chìm/ Trăng khuya nghịch ngợm chốn tìm trong mây, là không gian thuần thị giác, của hình ảnh, còn khung thứ hai: Cái đêm anh đến gọi đò/ Tiếng ai văng vẳng lò mò qua sông. Với chiều sâu nội cảm là không gian thuần thính giác, thanh âm của mô phỏng gợi nhắc và liên tưởng. Chiều sâu tâm khảm và tính nhân sinh được đẩy tới nấc thang xúc cảm cao nhất và được xác lập một giá trị từ sự thống nhất của mâu thuẫn giữa hai không gian được tác giả lồng ghép khéo léo: Em nằm thức với chăn bông/ Thương ai rét giữa đêm đông vắng đò.
            Thoắt ẩn, thoắt hiện, luồng xúc cảm khi đi từ cao trào của ý thức bản thể trước thiên nhiên, khi lại lắng sâu tận cùng của suy tư, toan tính cho một điểm neo đậu giữa chênh vênh hai chiều tâm tưởng: Lưng trời diều chẳng neo dây/ Bên đò bên ấy bên đây vắng thuyền. Con đò trong bài Về quê tuy xuất hiện ở tận cuối bài thơ, nhưng lại có sức cô đọng vô song của sự tự tìm về bản ngã, ý thức phản tỉnh thực tại trước sự đổi thay nhanh chóng đến nghiệt ngã của một vùng đất quê thuần nông hay của chính những người nông dân thuần phác đã bị thay đổi bản chất người trước cơn bão táp kinh tế và ảo tưởng đô thị hoá trên vùng đất đã dưỡng nuôi mình khôn lớn bằng những hạt thóc, củ khoai chắt chiu từ nguồn đất mẹ: Về quê tìm chẳng thấy chiều/ Mái tranh nghèo với dập dìu khói bay/ Còn đâu ruộng nước trâu cày/ Vẫn đi qua ngõ lối này còn ai.
            Mỗi cung bậc xúc cảm, mỗi ý thức trỗi dậy vấn tìm bản ngã, đều ghi dấu ấn mãnh liệt trong khoảnh khắc thơ Nguyên Linh khi hoài nhớ tới hình bóng con đò xưa, con đò của nghệ thuật ẩn dụ và con đò bên bến đời thực tại, nào có cách xa nhau, đôi khi cái khoảng cách biên giới ấy chỉ đủ giấu một tiếng thở dài, một sự phiền muộn than trách cuộc đời sao nhiều điên đảo, đầy mưu mô và toan tính, những kẻ tiểu nhân đắc chí tiến thân bằng con đường lừa thầy phản bạn, phản nhân sinh. Ừ thì có khác gì nhau, vẫn là người với người đấy thôi. Trong cái nhìn đầy nhân bản ấy, đôi lúc những mối quan hệ phức tạp từ cuộc sống thường nhật mang đến cũng có nhiều điều thú vị lắm đấy, nhất khi ta chịu mở lòng quan sát: Khác gì bến nước, con đò/ Khác gì non nước bến bờ vần xoay/... /Chúng ta gắn bó tấm lòng/ Khác gì vàng đá để mong trọn đời.
Chọn cách so sánh ngược, ví von ngầm mà hóm hỉnh tươi mới, là biểu hiện của tính trí tuệ, sau hàng loạt hình ảnh thơ đầy ngẫu tượng từ thiên nhiên cuộc sống xung quanh, mà mở đầu lại là hình ảnh con đò và bến nước để đi đến cái đích cuối cùng là mối quan hệ biểu hiện với dạng thức cao nhất là con người với con người, và hình tượng con đò vẫn thực hiện đúng chức năng “chuyên chở” của nó khiến tư tưởng tác phẩm thơ càng thêm sáng, cũng là một cách thể hiện riêng có của thơ Nguyên Linh.
Với 4 bài thơ đề cập đến hình tượng con đò, hình như Nguyên Linh muốn trình dẫn ra trước người đọc một mối quan tâm đặc biệt của mình trước vấn đề phát triển nông thôn ngày hôm nay và hình như tham vọng của ông còn sâu hơn nữa, ý thức bảo vệ nguồn văn hoá cổ truyền Việt Nam đã bắt sâu cội rễ vào đời sống dân gian hàng ngàn năm đang bị mai một, lãng quên dần trước sự phát triển ồ ạt của kinh tế, và văn hoá đa dạng, đa chiều. Biểu tượng con đò trong trang thơ Nguyên Linh, một nút thắt nhân sinh giữa cuộc sống neo giữ tâm hồn người Việt với văn hoá Việt ngàn xưa.


   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét