Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Những mảng màu sắc chủ đạo trong Võng biển của Phan Mạnh Quân - Dạ Cầm



Những mảng màu sắc chủ đạo trong 
Võng biển của Phan Mạnh Quân
Dạ Cầm


Lao động nghệ thuật là loại hình lao động sáng tạo có tính chất đặc thù độc lập,  riêng rẽ của mỗi cá nhân nhà thơ, nhà văn, nhà điện ảnh hoặc nhà viết kịch, hay người nhạc sĩ… Vì vậy mỗi sản phẩm của quá trình thai nghén sáng tạo ra đời đều mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của người làm ra tác phẩm. Tính độc lập của mỗi tác phẩm nhờ thế được đảm bảo và được phản ánh đầy đủ, rõ nét qua giọng điệu, tiết tấu, ngôn ngữ, âm thanh mà tác giả sử dụng để cấu thành, xây dựng nên tác phẩm của mình.
Tập thơ Võng Biển của Phan Mạnh Quân Nhà xuất bản Lao động – năm 2008. Được dụng tâm phát triển, khai thác những khía cạnh khác nhau từ các chủ đề lớn như  mùa xuân, cảnh sắc quê hương đất nước, tình yêu … Tất cả đều bắt nguồn từ mạch xúc cảm tinh tế, nhạy bén của một tâm hồn thơ khao khát kiếm tìm và hướng tới cái đẹp của chân, thiện, mĩ trong cuộc sống đang diễn ra hàng ngày xung quanh mỗi chúng ta. Với góc độ quan chiêm khoáng đãng, ngôn ngữ sử dụng có tính biểu đạt cao, gợi được những nét riêng trong lòng người đọc, hướng dòng cảm nhận tới một phong cách thơ thâm trầm, hồn hậu, giàu tính nhân văn, cùng tinh thần lao động sáng tạo bền bỉ, nghiêm túc của một tấm lòng nhân ái, khoan hoà mang lại cho tập thơ Võng Biển hơi hướm trữ tình, nội cảm.
Nào chúng ta hãy cùng lắng nghe mạch chảy Mùa xuân đang lan chảy trong Võng Biển, ai chẳng biết mùa xuân là mùa của cây trái sinh sôi, mùa của vạn vật trong thiên nhiên được tiếp thêm nguồn sinh lực mới mẻ, dồi dào, và cũng là mùa của các thi nhân khai lộ nguồn thi hứng sáng tạo. Chả thế mà ông chúa thơ tình Xuân Diệu đã từng cuống cuồng thốt ra những câu thơ đầy rạo rực (Bóng đêm biếc thở đều hơi gió mát/ Xung quanh ta im lặng đã buông rèm/ Gió xa quá trời xuân êm bát ngát/ Biết làm gì nói hết được yêu em - Đêm xuân) còn Phan Mạnh Quân cũng kịp khắc ghi lại nỗi niềm riêng tư của mình trước thềm xuân bát ngát không kém bồi hồi, rạo rực với những cấp độ tình cảm dâng đầy dần theo từng khổ thơ (Xuân này hoa nở sớm/ Cuộc sống thật bình yên/ …Xuân đón người vào cuộc/ Hứa hẹn một vườn mai/…Mùa xuân này hạnh phúc/ Lan nở sớm bên thềm/ Nắng chan hoà hương sắc/ Đón tết bừng hơi xuân. - Đón Xuân 2002). Mừng mùa xuân mới thắm tươi, ngập tràn sắc nắng, nhưng trái tim lạc quan, sục sôi nhiệt huyết của người cán bộ ngân hàng Phan Mạnh Quân vẫn không nguôi nhớ về Đảng, về nơi mình công tác với niềm phấn khích chỉ có ở riêng những con người như anh, nó như reo, như vẫy trong từng tứ thơ mộc mạc, chân chất (Là mùa xuân Thanh Thuỷ/ Những công trường hùng vĩ/…Thanh thuỷ miền trung du/ Anh hùng và đổi mới/ Vững vàng theo Đảng gọi/ AGRIBANK mùa xuân. – Sắc màu mùa xuân.) một thời chinh chiến đã qua, vẫn sống động cùng những dòng thơ, hừng hực khí thế mùa xuân ra trận của người chiến sĩ năm xưa trên đường đánh giặc (Từ chiến công Hà Nội tháng 12/ Từ đảo Gu Am tan xác những pháo đài/ Suốt dải Trường Sơn nơi ta ngồi đỉnh lộ/ Đã đi vào lịch sử những ngày mai.- Xuân 74) trái tim đa cảm của con người thi sĩ, làm sao không xao động khi bất chợt bắt gặp giữa tiết xuân ấm nồng một chuyến đò xuân đầy thơ mộng, những câu thơ êm ái tựa giọt mưa xuân rơi nhẹ lên trang giấy để rồi đọng lại, nảy mầm những triết lí sống, tuy thật giản dị nhưng lại đáng trân trọng nhường nào, sự tinh tế của thơ là thế đấy. (Cái dại là vại cái khôn/ Khôn chê dại dở khôn còn về đâu…/ Bến xuân ai bắc nhịp cầu/ để loan gặp phượng mai sau vẹn toànBến Xuân) và vẫn không làm giảm đi nét hồn hậu, bác ái (Chia tay lòng những ân cần/ Bạn về lòng thấy như gần nhau hơn Bến xuân). Bằng những nét phác thảo giản dị, bức tranh mùa xuân, bức tranh tâm hồn của nhà thơ Phan Mạnh Quân thiết tưởng đã định hình rõ nét với mảng màu tươi thắm, phơi phới sắc xuân rồi đấy.
          Thành công trong việc khai thác nguồn cảm xúc mùa xuân, chủ đề cảnh sắc quê hương đất nước là nguồn thi hứng chủ đạo, xuyên suốt toàn tập thơ và là mảng màu sắc sinh động với hàng loạt hình ảnh thơ trữ tình và giàu sức gợi, có tính liên tưởng cao dễ đi vào tận sâu tâm khảm người đọc, thành những dấu ấn khó phai mờ ( Cái gạt mưa chẳng thể?/ Xua nước trên vai em…/ Giọt nước trong lòng đất/ Lại rơi trên đầu em…/ Đi trên xe – nước trời/ Đi dưới hầm - nước đất/… Nước đất - nước trời vẫn một/ Em xuôi nước ròng Phương NamVề đất Củ Chi). Bất ngờ làm sao, nên thơ làm sao và cũng cảm động làm sao khi những dòng chữ như chắt lọc, gạn vắt ra từ gan ruột của con người vốn dĩ đa cảm, đa tình. Huế và thi nhân. Huế vốn dĩ đã nên thơ bởi cảnh sắc tuyệt diệu của không gian riêng Huế, của địa danh lịch sử ngàn năm sông Hương núi Ngự. Bao nhiêu bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên, con người xứ huế mộng mơ đã làm xao xuyến lòng người, thì ở đây trong tập thơ Võng Biển, Phan Mạnh Quân đã ghi lại, như từng thước phim ảnh hiển hiện trên trang giấy giúp người đọc cảm thấu vẻ đẹp của Huế không đơn giản dừng lại ở những cái ta thường nhìn thấy, sờ mó thấy bằng trực giác ( Đưa em đi cùng năm tháng…/ Say Huế, say tình, say em…/ Mười bảy năm xa bạn học…/ Thăm huế mùa thu tháng năm…/Hạnh phúc dễ đâu có được… - Thăm Huế), mà phải dùng đến sự thông tuệ của trái tim, lí trí, để cảm nhận được nét đẹp Huế ẩn sâu trong tầng văn hoá qua sự hoá thân của cánh võng - vật dụng dân gian gắn bó suốt cuộc đời con người, gắn bó với luỹ tre xanh, với miền cổ tích ấu thơ, đã thành biểu tượng - cánh võng kẽo kẹt với tiếng ru ầu ơ của mẹ những đêm hè. Đó chính là nét sáng tạo làm lên giọng điệu thơ Phan Mạnh Quân và cũng là cá tính sáng tạo của riêng anh ( Ngả mình trên phao võng biển/ Võng ru em nằm dịu êm./ Một lần ru em võng biển/ Ngọt ngào gửi đến trăm năm.Võng biển).
          Nguồn cảm hứng nơi sâu thẳm trái tim đa cảm của thi nhân không chịu bỏ qua từng chi tiết, từng biến đổi dù là nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống thường ngày, đủ thấy niềm say mê và nhiệt tâm sáng tạo cùng óc quan sát nhạy bén của tác giả. Chỉ qua hình ảnh một cơn mưa nhỏ trên đường đi về – hành trình tìm lại bản ngã con người trong mối quan hệ Con người – với Đại vũ trụ đã được soi tỏ, làm rõ (Mưa đầm đìa, mưa dầm dề/ mưa mãi chẳng tạnh đành về vậy thôi/… Đường về yên lặng bốn bề/ ngắm trời mưa thấy con ve lạc đàn/ chuyện tình thế thái nhân gian/ Làm xe sặc nước bên đường Cửa Ông. Mưa Móng Cái). Thông qua chuyến lữ hành tác giả đã làm nổi bật nên mối quan hệ phức tạp giữa đời thực của chủ thể sáng tạo nghệ thuật với cuộc sống. Cũng có lúc tưởng thật đơn giản (Chuyến xe du lịch/ tràn đầy niềm vui/ tìm về kỷ niệm/ Nghiêng mình mây trôi Tình yêu Quảng Trị ) nhưng vị thế con người không vì thế mà giảm đi, trái lại nhân cách cùng tư tưởng nghệ thuật của thi phẩm càng được nâng lên tầm cao mới nhờ tính hướng thiện, tính lạc quan xuyên suốt tác phẩm (Khi về tóc trụi theo mây/ lúc đi rợn ngợp rừng cây/ Hương đại thơm lừng gió núi/ Trăm bậc đá nối đỉnh trời cao ngất/ Lòng rưng rưng theo gió núi mây ngàn - Trước Kính Thiên Lĩnh Điện).
          Khi viết về tình yêu, cây bút Phan Mạnh Quân tỏ ra khá chắc tay và giàu tính gợi cảm, Tình yêu trong Võng biển là mảng màu nền thâm trầm, đan xen những sợi màu cảm xúc vi diệu, tinh tế ( Ngày xuân em bước lên thềm/ Anh xin giữ trọn con tim bến bờ. Nhớ em) nhuần nhuỵ và thuần khiết (Hoa thơm hương toả bên thềm/ Anh trồng năm trước để em làm quà. Tết 8-3), đôi khi cũng không kém phần dí dỏm (Thời Na Hang xe máy/ Hải Cẩm Thuỷ xe đò/ Hằng Sài Gòn tàu hoả? Em phú thọ xe boMãi mãi thời sinh viên) và tính triết lí nhân sinh sâu sắc ( Bạn bè năm xưa tóc trắng như mây/ Cái thủa ngây thơ bao giờ thức dậy/ Kỷ niệm đời người 40 năm ấy/ Cố hương rồi nhưng vẫn không rơi - Không rơi), đôi lúc cũng ầm ã, thác ghềnh theo quy luật chung của trái tim đang thổn thức vì yêu và được yêu (Chuyện tình ghềnh thác hát ca/ Ngăn sông, chặn lũ em là của anh/ còn lại đây phút chanthành/ chia tay anh để em thành cô đơn Sông Đà).
          Với ba mảng sắc màu chính làm lên tư tưởng nghệ thuật chủ đạo của tập thơ Võng biển, cùng phong cách sáng tác ổn định, không nệ, né tránh những đề tài nhạy cảm hay những chi tiết vụn vặt của cuộc sống, tác giả Phan Mạnh Quân đã khẳng định được tố chất thơ của riêng mình cùng bản lĩnh vững vàng của người cầm bút hôm nay. Chính những điều đó đã đem lại sức sống và hơi thở hiện đại cho sự thành công đạt được của tập thơ  Võng biển trong lòng bạn đọc. Hy vọng Phan Mạnh Quân còn tiến xa hơn nữa trong các tập thơ sau này. Đó cũng là mong muốn chung không chỉ của riêng người viết mà của tất cả những ai đã từng một lần đọc tác phẩm của Phan Mạnh Quân.
                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét