Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

NHƯ CÁNH CHIM TRỜI - bay không biết mỏi




NHƯ CÁNH CHIM TRỜI

bay không biết mi



                        T.T
            Ông đến nơi tôi làm việc vào một buổi chiều và hồ hởi đưa tặng tôi tập sách mà ông mới xuất bản. Cầm tập sách trên tay, tôi đọc những dòng chữ đầu tiên “quý tặng cháu…”. Tính ông vốn ân cần như vậy, phải là người được ông yêu mến thì ông mới tặng. Sách ông viết và in ra – nó là đứa con tinh thần của ông, phải đâu thứ hàng hoá xô bồ dễ tìm dễ thấy.
            Sinh ra tại miền quê núi đá Ninh Bình - cố đô Hoa Lư, vùng đất được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long Kạn”, Điền Ngọc Phách đã trải qua tuổi thơ cùng với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam một thời sôi động và khốc liệt. Gia đình cha ông là một đại chủ yêu nước và đã từng có những đóng góp không nhỏ cho cách mạng. Ông đã kể cho tôi nghe về mẹ ông - một người đàn bà đẹp và dịu dàng (mẹ ông về làm lẽ cha ông từ năm 18 tuổi). Nỗi vất vả của mẹ đã được ông chắt chiu bằng những dòng thơ đầy xúc cảm: “Nhường con mấy củ khoai hà/ Gốc dền mẹ luộc cho qua năm Mùi/ Con đi về phía mặt trời/ Gai dền cào nát một thời ấu thơ – Ký ức – Thơ tứ tuyệt NXB Hội nhà văn”.
            Vào những năm tháng của tuổi thanh niên, ông đã từng là công nhân Nhà máy dệt Nam Định, và sau này là thợ cơ khí đạt đến bậc 7/7. Những năm tháng thanh niên sung sức ấy, chàng trai quê Ninh Bình làm việc hăng say không biết mệt. Ông kể, ngày ấy ông không có một chút thời gian nào rỗi rãi, hết làm việc ở nhà máy, lại sinh hoạt đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, dạy bổ túc, phụ trách đội văn nghệ và tham gia các phong trào xã hội khác.
            Tuy miệt mài và nỗ lực phấn đấu như vậy. nhưng con đường công danh sự nghiệp của ông không được hanh thông cho lắm, lận đận mãi, hết trải qua đời thợ cơ khí lại về với nghề bốc thuốc nam, rồi viết văn, làm báo, làm thơ… ta dễ dàng bắt gặp những tâm sự ấy của đời ông: “Biết rằng thơ có dễ đâu/ Thì thôi kiếm chiấc dao cầu làm vui/ Thái cho hết đắng sang bùi/ Chưa lành cái bệnh cũng lui cái buồn - Ngộ - Lượm Nxb Văn hoá Dân tộc”. Tuy vậy, nhưng ông không phải là con người thiếu lạc quan, nhân cách của ông là nhân cách của một con người biết sống vì ngày mai, biết hi sinh dâng hiến, đầy ắp tính nhân văn cao cả ”Cánh rụng - phải đâu là cánh rụng/ Rũ đài, chuyển nhựa nhú bầu tươi/Nhuỵ tàn gối đất hương gom sắc/ Góp một cành thơm trả nghĩa người” hay tự sự … mịêt mài giũi đất tan cùng đất/ Một chết cho đời nảy búp xuân - Nhụy và con giun đất - Lượm, NXB Văn hoá Dân tộc”.
            Biết làm thơ và thành công với thơ từ rất sớm, nhưng mãi sau này ông mới chuyên tâm với thơ nên để “Lỡ làng tuột mất ban mai/ Cuối chiều tìm đến lạc loài ánh trăng/ Chơi vơi trong cõi vĩnh hằng/ Có neo được ánh sao băng giữa trời? – Neo ánh sao băng – Lãnh địa cô đơn, NXB Thanh niên”, đấy là câu hỏi day dứt nhất trong ông, thiên hà rộng lớn liệu có chỗ cho một niềm đam mê trú ngụ? Mặc dù “Mấy mươi năm biền biệt/ Tấm thân gầy mải miết tha hương/ Chút công danh lay lắt đoạn trường…Thì: “Nghiệp văn chương đeo đẳng những đâu đâu/ Dẫu buộc gió treo mây còn hăm hở/ Đã mang thân ắt duyên, thời ắt nợ/ Lo chi hoài kiệt sức với tàn hơi…- Nợ văn chươngHát nói, ca trù”.
            Trong từng giai đoạn của cuộc đời, mỗi con người có niềm đam mê nhất định. Nhưng với ông, niềm đam mê thơ phú đeo đẳng ông suốt cuộc đời. Sau khi đã trải qua đủ nghề từ thợ cơ khí đến thầy lang bốc thuốc…thì sau cùng ông cũng vẫn là một nhà thơ. Ở trong thơ, con người ông được bộc lộ chân xác nhất. Những ai đã từng yêu thơ ông chỉ đọc thơ mà không cần nhìn tên tác giả vẫn nhận ra thơ ông trong từng ngữ điệu. Ông làm thơ, gửi gắm tâm sự và ước mơ của mình vào đó “…Người còn – còn nặng chữ yêu/ Còn đam mê đến nhiều nhiều nỗi thơ”.  Thơ của ông nói nhiều về tình yêu, cuộc đời, rất dung dị, nhưng rất đằm thắm, càng ngẫm càng thấy sâu sắc.   
            Ngoài nỗi thơ phú, ông còn là con người có tài tổ chức. Bằng chứng là ông đang giữ chức Chủ tịch Chi hội thơ Phú Thọ thuộc Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Năm 2007 vừa qua, ông vừa khôi phục thành công Câu lạc bộ ca trù, phục hồi vốn cổ dân tộc, thiết thực phục vụ việc giới thỉệu với đông đảo nhân dân hướng về cội nguồn, góp phần tích cực vào việc xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phô du lịch về với cội nguồn của toàn dân tộc, tổ chức được nhièu cuộc giai lưu với chi hội bạn (về Khoang Xanh để giao lưu với chi nhánh thơ Khoang Xanh Ao Vua tỉnh Hà Tây, về chùa Nôm - Hưng Yên để giao lưu với Câu lạc bộ thơ Đường xứ nhãn. Ngoài ra, với tư cách là Chủ tịch chi hội, ông còn tập hợp bài vở của các hội viên và cho ra mắt tập san Hương Cội Nguồn - diễn đàn Câu lạc bộ thơ Phú Thọ…
            Nếu thời gian có quay trở lại, không biết ông có chọn đi con đường cũ không. Ở vào cái tuổi xêa chiều, tôi cảm thấy dường như ông đang miệt mài làm việc chạy đua với thời gian. Sáng ở Việt Trì, trưa đã có mặt ở Hà Tây, xế chiều đã ung dung ngồi ở văn phòng Chi hội. Vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, ông cứ như con thoi, tất bật nào đi ngoại giao, xử lý các mối quan hệ, hết đến nhà xuất bản để lo các thủ tục in ấn, lại chạy vòng đến các doanh nghiệp mời quảng cáo, lo kinh phí, bài vở… dường như chẳng lúc nào ngơi. Ông còn quá nhiều đam mê để lao động sáng tạo, để cống hiến hết mình cho thơ ca, nghệ thuật. Vừa qua ông đã hoàn thành các thủ tục để trình tỉnh phê duyệt bản điều lệ công nhận Ban chấp hành và hoạt động của Hội văn học Nghệ thuật Việt Trì. Ông còn làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu phục hồi các diễn xướng dân gian của một số di tích văn hoá và điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh”, ở lĩnh vực nào ông cũng làm việc một cách cẩn thận và nghiêm túc…
            Nhìn ông suốt ngày cưỡi trên cái wave “tàu” đã tàng tàng, rong ruổi từ đầu thành phố đến cuối thành phố, từ thành phố về các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Sơn… chợt nghĩ, chẳng biết ông già đã ngấp nghé thất tuần, lấy đâu ra ý chí và sức lực như vậy. Gần và hiểu biết ông hơn, ta còn thấy ông ở một tính cách của con người sống theo “Mô típ” cũ của thời bao cấp. Từ lời nói đến việc làm đều thể hiện một quan điểm “cũ cũ, xưa xưa”. Chỉ biết làm thật nhiều việc cho thật nhiều người để đạt đượcnhững mục tiêu đã đề ra, mà không hề đòi hỏ cho riêng mình. Hai năm qua, ông đã gạt bỏ mỗi năm thu nhập từ nhuận bút (Truyện, báo, thơ) cả Trung ương đến địa phương cũng ngót mươi lăm triệu, để tập trung mọi thời gian, công sức cho xây dựng và củng cố Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ và Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Việt Trì.
            Nếu có dịp , xin mời hãy ghé lại với nhà thơ, tính ông vốn mến khách và ân cần “Rượu lưng bầu thơ phú thiếu chi đâu/ Xuân đó nhỉ hãy cùng nhau tương ngộ…”. Mùa xuân Kỷ Sửu ông bước sang tuổi 68, cái tuổi mà con người đang ngoái nhìn cuộc đời một cách viên mãn. Còn riêng ông, hình như ông vẫn chưa bằng lòng với chính mình, bởi vì ông miệt mài làm thơ, viết báo và tổ chức, phát triển Hội Văn học Nghệ thuật Việt Trì cũng như Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ. Xin chúc cho ông có nhiều sức khoẻ để theo đuổi mong ước của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét